Kế toán xanh trong chương trình giảng dạy kế toán tại Việt Nam
TCDN - Trong bài nghiên cứu này, tác giả thực hiện thu thập và tổng hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu thứ cấp để có cái nhìn khái quát về thực trạng các chương trình giảng dạy kế toán tại Việt Nam và từ đó đề xuất một số giải pháp.
Tóm tắt:
Trong bối cảnh hiện nay, nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm hơn về vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Và kế toán xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Chính vì thế, việc tích hợp các môn học về kế toán xanh trong các chương trình giảng dạy kế toán tại Việt Nam là cần thiết. Trong bài nghiên cứu này, tác giả thực hiện thu thập và tổng hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu thứ cấp để có cái nhìn khái quát về thực trạng các chương trình giảng dạy kế toán tại Việt Nam và từ đó đề xuất một số giải pháp để đưa các nội dung kế toán xanh vào chương trình học của sinh viên ngành kế toán.
Từ khóa: kế toán xanh, chương trình giảng dạy kế toán, sinh viên kế toán, ESG
1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là thách thức toàn cầu, buộc doanh nghiệp áp dụng kế toán xanh để quản lý chi phí môi trường và tuân thủ báo cáo bền vững. Liên Hiệp Quốc đã khởi xướng “Hệ thống kế toán kinh tế và môi trường” nhằm theo dõi tác động môi trường của doanh nghiệp (Nguyễn, 2020). Hiện nay, có hơn 90% doanh nghiệp trong danh sách Standard & Poor’s (S&P) 500 và khoảng 70% các công ty trong chỉ số Russell 1000 thực hiện công bố báo cáo Môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance - ESG) (Pérez et al., 2022).
Việt Nam cũng đẩy mạnh chính sách phát triển bền vững như Khung tài chính xanh, chỉ số Vietnam Sustainability Index - VNSI (2017) và hướng dẫn công bố báo cáo ESG cho doanh nghiệp niêm yết. Chính phủ còn áp dụng ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán xanh, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín quốc tế. Theo PwC (2024), 93% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã cam kết báo cáo ESG (Nhật, 2024).
Trước xu hướng này, kế toán viên tương lai cần trang bị kiến thức về ESG, kế toán carbon và các chuẩn mực báo cáo bền vững như IFRS S1 & S2 để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và nâng cao nhận thức sinh viên về phát triển bền vững (Stephens et al., 2008) (Junger da Silva et al., 2020). Hiện nay, các trường đại học lớn trên thế giới đã bắt đầu tích hợp các môn học về kế toán xanh trong chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu về báo cáo bền vững và quản lý tác động môi trường của doanh nghiệp. Một số những môn học tiêu biểu về kế toán xanh như là môn Quản lý và Báo cáo Bền vững (ACCT3016: Sustainability Management and Reporting) của trường Đại học Sydney và môn Nhập môn Kế toán Carbon (BFA110: Introduction to Carbon Accounting) của trường Đại học Tasmania.
Vì vậy, nghiên cứu này tập trung đánh giá thực trạng chương trình giảng dạy kế toán xanh tại Việt Nam và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao kiến thức kế toán xanh cho sinh viên, giúp họ sẵn sàng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai.
2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
2.1. Một số khái niệm
Kế toán xanh
Kế toán xanh là quá trình nhận diện, đo lường, ghi nhận và báo cáo thông tin về tác động kinh tế, xã hội và môi trường của doanh nghiệp, nhằm cung cấp dữ liệu hữu ích cho việc ra quyết định (Lako, 2018). Bên cạnh đó, kế toán xanh có thể được xem là một hệ thống kế toán được thiết kế để ghi chép, tổng hợp và báo cáo đầy đủ các thông tin về tài sản, nợ phải trả, đầu tư, thu nhập và chi phí liên quan đến việc bảo vệ môi trường của quốc gia. Đây là phương pháp tích hợp chi phí môi trường vào kết quả tài chính, giúp doanh nghiệp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Ba mục tiêu chính của kế toán xanh gồm: (1) Xác định, thu thập và phân tích tài nguyên liên quan đến vật liệu và năng lượng; (2) Báo cáo nội bộ về chi phí môi trường; (3) Cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định, góp phần bảo vệ môi trường (Dang & Doan, 2023). Một ý kiến khác cho rằng kế toán xanh là một hệ thống kế toán hiện đại và toàn diện bao gồm 5 nội dung chính: Kế toán tài chính môi trường, Kế toán quản trị môi trường, Tài chính môi trường, Pháp luật về môi trường, Đạo đức và quan hệ với cộng đồng xã hội (Nguyễn, 2020). Vì vậy, kế toán xanh chính là quá trình thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp mà có tác động đến môi trường và được công bố thông qua báo cáo Social, Environment and Governance (ESG).
Giáo dục về kế toán xanh
Giáo dục được xem là cái nôi của việc thực hiện và thúc đẩy phát triển bền vững. Những thay đổi trong chương trình đào tạo kế toán có ảnh hưởng quan trọng đến việc thực hiện phát triển bền vững. Chính vì thế, chương trình giảng dạy kế toán được khuyến khích phát triển ra khỏi phạm vi kế toán truyền thống bằng cách trang bị cho sinh viên những kỹ năng xã hội về toàn cầu hóa, báo cáo môi trường và phát triển bền vững (Hazelton & Haigh, 2014). Riêng về phần báo cáo môi trường, các chương trình giảng dạy có thể dùng những tình huống thực tế để giới thiệu báo cáo ESG đến sinh viên. Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy còn có thể yêu cầu sinh viên đọc các báo cáo ESG đã công bố, đánh giá các bảng báo cáo ESG và các chuẩn mực báo cáo, và tham gia các buổi hội thảo và đào tạo bởi các tổ chức như là các công ty Big 4 trong ngành kiểm toán và kế toán (Simmons et al., 2024).
Một số tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế để thực hiện báo cáo ESG:
· Quy định chung về công bố thông tin bền vững (IFRS S1 – General Requirements for Sustainability – related Financial Information)
· Hướng dẫn công bố thông tin liên quan đến khí hậu (IFRS S2 – Climate – related Disclosures)
· Bộ chuẩn mực Báo cáo bền vững (GRI – Global Reporting Initiative Standards)
Cụ thể là Bộ chuẩn mực Báo cáo phát triển bền vững quốc tế (IFRS Sustainability Standards) do Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) ban hành vào tháng 6/2023 nhằm tạo một khung báo cáo thống nhất, giúp cho các tổ chức doanh nghiệp công bố thông tin về hiệu suất và tác động của hoạt động kinh doanh đối với môi trường và xã hội. Các tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo thông tin được trình bày một cách chính xác, đáng tin cậy và có thể so sánh, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý và minh bạch hóa các vấn đề bền vững. IFRS Sustainability Standards bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng, như là: (1) Biến đổi khí hậu và khí nhà kính; (2) Tài nguyên thiên nhiên; (3) Tác động xã hội và quan hệ lao động; (4) Tài chính và tài sản bền vững (Nguyễn, 2024)
GRI Standards là một hệ thống được sử dụng toàn cầu trong việc báo cáo công khai về các tác động kinh tế, môi trường và xã hội. Báo cáo GRI cung cấp thông tin về những đóng góp tích cực và tiêu cực của một tổ chức đối phát triển bền vững. Hệ thống GIR Standards bao gồm ba nhóm tiêu chuẩn chính: (1) GRI Universal Standards – áp dụng cho tất cả các tổ chức; (2) GRI Sector Standards – dành riêng cho từng ngành nghề cụ thể; (3) GRI Topic Standards – tập trung vào các chủ đề cụ thể, liệt kê các yêu cầu công bố thông tin.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tài liệu thông qua việc xem xét nội dung các chương trình đào tạo kế toán của các trường đại học trong và ngoài nước. Ngoài ra, tác giả còn thu thập, tổng hợp các thông tin và dữ liệu từ các bài báo nghiên cứu khoa học liên quan, diễn đàn về kế toán tài chính và các trang thông tin của IFRS và GRI. Sau đó, tiến hành so sánh và đối chiếu chương trình đào tạo kế toán ở Việt Nam và một số trường đại học hàng đầu trên thế giới để đưa ra một số giải pháp cho chương trình đào tạo kế toán tại Việt Nam.
3. Thực trạng về việc đào tạo kỹ năng xanh trong chương trình giảng dạy kế toán
Một số trường đại học tại Việt Nam đã bắt đầu tích hợp các nội dung về kế toán xanh vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành kế toán, nhằm đáp ứng yêu cầu quốc tế và xu hướng phát triển của kế toán Việt Nam trong tương lai.
Ví dụ cụ thể là Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình đào tạo trình độ đại học ngành kế toán hướng đến mục tiêu đào tạo tích hợp đạt chuẩn quốc tế cho sinh viên bằng việc tích hợp các môn học thuộc chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế CFAB (ICAEW), FLP (CIMA) vào chương trình đào tạo. Cụ thể là trong học phần bổ trợ, môn Kế toán môi trường nằm trong danh sách học phần bổ trợ cho các sinh viên kế toán đi theo hệ chương trình đào tạo tích hợp với chứng chỉ quốc tế. Trường cũng ghi rõ mục tiêu của môn học này không chỉ nhằm giúp sinh viên vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề mà còn giúp sinh viên áp dụng tư duy đạo đức và trách nhiệm xã hội để ra quyết định trong các hoạt động kế toán, kiểm toán và phân tích kinh doanh. (Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023)
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc áp dụng kế toán xanh trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp đa phần chỉ tập trung vào việc tìm kiếm lợi nhuận mà chưa thật sự quan tâm đến các chi phí phí môi trường (Dương, 2024). Bên cạnh đó, Tô Minh Hương và cộng sự cũng cho rằng việc triển khai áp dụng kế toán xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do các nguyên nhân như là các doanh nghiệp ngần ngại trong việc áp dụng kế toán xanh; chưa có các tài khoản kế toán ghi nhận chi phí môi trường; và các quy định tài chính và các chuẩn mực chế độ kế toán chưa cung cấp được những thông tin cần thiết về các chi phí môi trường (Tô et al., 2023).
Những điều này ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng chương trình đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học ở Việt Nam. Thực tế cho thấy rằng, ngoại trừ các chương trình đào tạo có liên kết với các chứng chỉ kế toán quốc tế như ACCA hay CFAB, các chương trình đào tạo kế toán thông thường vẫn chưa có môn học chuyên về kế toán môi trường. Đa phần các kiến thức về kế toán xanh được giảng viên truyền đạt đến sinh viên thông qua việc tích hợp trong các bài giảng về kế toán tài chính và kế toán quản trị.
Trong cuộc khảo sát sinh viên trường Đại học Thủy Lợi từ tháng 2/2022 đến tháng 2/2023, chỉ có khoảng 45,9% sinh viên đã tìm hiểu về khái niệm kế toán xanh; những sinh viên còn lại nói rằng họ không biết đến thuật ngữ kế toán xanh vì chương trình đào tạo của họ không đề cập đến khái niệm này (Tô et al., 2023). Các chương trình ngắn hạn đào tạo về kế toán xanh vẫn còn hạn chế và khá tốn kém. Điều này càng khiến cho việc tiếp cận kế toán xanh của sinh viên càng trở nên khó khăn dù cho họ có ý định chủ động tiếp cận. Chính vì thế, việc sinh viên được tiếp cận với các kỹ năng xanh trong kế toán phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục.
4. Giải pháp áp dụng giảng dạy kỹ năng xanh cho sinh viên kế toán tại Việt Nam
Cần có một văn bản pháp lý quy định về áp dụng kế toán xanh trong doanh nghiệp.
Để trường đại học có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo về kế toán xanh, đòi hỏi cần có một hế thống pháp luật quy định rõ ràng về việc áp dụng và thực hiện kế toán xanh (Tô et al., 2023). Việc xây dựng các môn học về kế toán xanh hiện nay gặp nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực này. Hiện vẫn thiếu các văn bản pháp lý hướng dẫn hạch toán, kế toán carbon hay quy định bắt buộc về công bố báo cáo ESG. Do đó, để triển khai hiệu quả các môn học về kế toán xanh, cần có một khung pháp lý rõ ràng, giúp giảng viên có cơ sở xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp.
Các trường đại học cần liên kết với các công ty Big 4
Các trường đại học có thể liên kết với các công ty kiểm toán kế toán quốc tế để tổ chức các buổi đào tạo hay hội thảo nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với kế toán xanh. Cụ thể là các khoa nên tìm đến các tổ chức quốc tế như AICPA hay Big Four để tham khảo nguồn tài liệu như là hội thảo, chương trình đào tạo hoặc những hướng dẫn liên quan đến biến đổi khí hậu (Meyer, 2021). Những buổi hội thảo với các công ty toàn cầu không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện kế toán xanh mà còn giúp họ phát triển nhận thức về tầm quan trọng của kế toán xanh trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, sinh viên được thú đẩy động lực trong việc tìm hiểu và nghiên cứu về kế toán xanh.
Tham khảo chương trình giảng dạy kế toán trên thế giới.
Một số các chương trình đào tạo kế toán từ các trường lớn trên thế giới đã có những môn học riêng biệt về kế toán xanh. Ví dụ tiêu biểu đến từ trường Đại học Nam Úc với môn học Sustainability Accounting and Reporting ở năm thứ ba trong chương trình cử nhân kế toán. Môn học này nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về phát triển bền vững trong doanh nghiệp và các vấn đề về phát triển bền vững mà ảnh hưởng đến thực hành kế toán và báo cáo của công ty. Hình thức đánh giá của môn học này là thông qua các bài tập dự án và bài luận phản ánh (Reflection essay). Môn học sẽ đi qua các nội dung chính như là hướng dẫn báo cáo bền vững, phương pháp tính chi phí môi trường, tích hợp các chỉ số hiệu quả sinh thái và vai trò của kế toán trong quản lý bền vững phát triển doanh nghiệp (University of South Australia, 2024). Đây là những tài liệu tham khảo cho các trường đại học tại Việt Nam trong tương lai khi môn học kế toán xanh trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy kế toán trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
Dang, T. M. L., & Doan, T. T. (2023). Green Accounting with Sustainable Development in Vietnam. International Journal of Advanced Multidisciplinary Research and Studies.
Dương, T. M. (2024). Tăng cường vận dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. https://kinhtevadubao.vn/tang-cuong-van-dung-ke-toan-xanh-trong-cac-doanh-nghiep-viet-nam-29915.html
Hazelton, J., & Haigh, M. (2014). Incorporating sustainability into accounting curricula: Lessons learnt from an action research study. In Liberalising the Accounting Curriculum in University Education (pp. 126-145). Routledge.
Junger da Silva, R., Tommasetti, R., Zaidan Gomes, M., & da Silva Macedo, M. Á. (2020). How green is accounting? Brazilian students’ perception. International Journal of Sustainability in Higher Education, 21(2), 228-243.
Lako, A. (2018). Conceptual framework of green accounting. ACCOUNTING, 60-66.
Meyer, C. (2021). Tips for teaching ESG and sustainability accounting. Journal of Accountancy. https://www.journalofaccountancy.com/newsletters/extra-credit/teaching-esg-and-sustainability-accounting.html
Nguyễn, T. X. Q. (2024). Tóm lược và khuyến nghị áp dụng IFRS S1, S2 tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. https://kinhtevadubao.vn/tom-luoc-va-khuyen-nghi-ap-dung-ifrs-s1-s2-tai-viet-nam-28551.html
Nguyễn, V. H. (2020). Giải pháp vận dụng kế toán xanh gắn với phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí kế toán–kiểm toán Tháng, 12.
Nhật, M. (2024). 58% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thực hiện cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ. https://thitruongtaichinhtiente.vn/58-doanh-nghiep-niem-yet-tai-viet-nam-thuc-hien-cam-ket-esg-trong-2-4-nam-toi-62488.html
Pérez, L., Hunt, V., Samandari, H., Nuttall, R., & Biniek, K. (2022). Does ESG really matter—and why. McKinsey Quarterly, 60(1).
Simmons, V., Serafin, A., Stampone, A., & Rayeski, L. A. (2024). Integrating ESG into the accounting curriculum: Insights from accounting educators. Issues in Accounting Education, 39(2), 85-106.
Stephens, J. C., Hernandez, M. E., Román, M., Graham, A. C., & Scholz, R. W. (2008). Higher education as a change agent for sustainability in different cultures and contexts. International Journal of Sustainability in Higher Education, 9(3), 317-338.
Tô, M. H., Nguyễn, N. H., & Lê, T. H. (2023). Nhân tô ảnh hưởng đên việc lựa chọn tiếp cận kê toán xanh. Tạp chí Công Thương, 13.
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. (2023). Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Kế toán (Mã số: 7340301). Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội
University of South Australia. (2024). Sustainability Accounting and Reporting. https://study.unisa.edu.au/courses/105462/2024?
Phan Thị Thanh Thúy, Lưu Mỹ Ngọc, Nguyễn Ngọc Trúc Vy
Khoa Tài chính - Kế toán - Ngân hàng - Trường Đại học Phan Thiết
Tạp chí in số tháng 4/2025
email: [email protected], hotline: 086 508 6899