Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm hút vốn dịp cuối năm
TCDN - Hàng loạt ngân hàng có sự điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo hướng tăng để thu hút tiền gửi khách hàng vào dịp cuối năm.
Từ tháng 11 cho đến nay, nhiều ngân hàng có sự điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,2 - 0,8%/năm đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại vừa và nhỏ.
Cụ thể, ngân hàng SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Ngân hàng Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1-0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn - lần tăng lãi suất thứ 2 trong hai tháng trở lại đây tại Eximbank.
Trong tháng 12, Ngân hàng GPBank điều chỉnh lãi suất tiền gửi so với tháng trước. Từ kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng, lãi suất ngân hàng GPBank đồng loạt điều chỉnh tăng 0,8 điểm % tại mỗi kỳ hạn.
Techcombank công bố biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất áp dụng từ ngày 15/12 tăng 0,25 - 0,4% so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn.
Trong tháng 12/2021, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6,8 - 7,4%/năm. Trong đó cao nhất thuộc về Nam A Bank với mức 7,4% cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Tiếp theo là ngân hàng SCB với mức lãi suất 7,15% cho kì hạn 18 tháng.
Mức lãi suất ngân hàng cao nhất ở kì hạn 6 tháng hiện nay là GPBank với mức lãi suất là 6,5% lĩnh lãi cuối kì.
Ở kỳ hạn 3 tháng, PVcomBank, SCB, GPBank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất 4%/năm.
4 ngân hàng lớn là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,5 - 5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tuần 6/12- 10/12 của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho hay, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng trước, khi thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến cuối tháng 11, tín dụng đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường không có nhiều biến động trong tuần qua. Lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022, nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ngân hàng có thể sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở, như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899