Ngành ngân hàng gặp khó nhưng "chưa đến mức khủng hoảng"

18/03/2023, 14:52
báo nói -

TCDN - Hiện tại, hệ thống ngân hàng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, một loạt chỉ số cho thấy tình hình chung vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Còn thị trường khép lại một tuần giảm điểm dù có thông tin hỗ trợ giảm lãi suất vào phiên giữa tuần.

Khả năng thị trường lại duy trì trạng thái đi ngang 

Theo Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước khép lại một tuần giảm điểm dù có thông tin hỗ trợ giảm lãi suất vào phiên giữa tuần, bên cạnh đó đây cũng là tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF với lượng mua nhiều hơn bán. Thanh khoản tuần này tăng so với tuần trước chủ yếu là do dòng tiền từ khối ngoại.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 11.338 tỷ đồng, tăng 7,5% so với phiên hôm trước đó, qua đó đưa thanh khoản bình quân tuần này cao hơn 18% so với tuần trước. Khối ngoại mua ròng 708,68 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: SHB, NVL, VND, SSI, DCM... Ở chiều ngược lại: HPG, STB, VNM, PLX, VHM... là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Nhà đầu tư không nên lướt sóng trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp, theo MSB.

Nhà đầu tư không nên lướt sóng trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp, theo MSB.

Trong khi chứng khoán thế giới “xanh mướt” thì thị trường trong nước lại ngược dòng dù có lực cầu ngoại mua ròng rất mạnh. Tuần này thị trường được hỗ trợ bởi thông tin giảm lãi suất nhưng có thể thấy lực cầu nội cũng không mấy hào hứng.

Về kỹ thuật, khả năng thị trường lại duy trì trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp ở tuần sau, thanh khoản cũng được dự báo sẽ giảm so với tuần này. Nhà đầu tư không nên lướt sóng trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Vùng hỗ trợ cho chỉ số Vn-index ở khu vực 1.030 – 1.033 điểm, thanh khoản thấp nên dòng tiền cũng không lưu trú quá 1 vòng T+ ở các nhóm cổ phiếu tín hiệu như: đầu tư công, dầu khí, thép, sản xuất điện...

Chỉ khủng hoảng niềm tin do vấn đề thanh khoản

Theo Bloomberg, thị trường đang phản ứng như thể hệ thống ngân hàng đã rơi vào khủng hoảng. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã giảm 120 điểm cơ bản so với tuần trước. Lợi suất trái phiếu xuống thấp cho thấy kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương giảm tốc độ nâng lãi suất do khủng hoảng từ hệ thống ngân hàng.

Trong kinh tế học, khái niệm “lời tiên tri tự ứng nghiệm” (self-fulfilling prophecy) được hiểu là những dự đoán trở thành sự thật bởi mọi người tin vào chúng. Chỉ trong vài ngày, thị trường đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) can thiệp để giải cứu các ngân hàng. Tuy nhiên, một loạt số liệu chỉ ra rằng dù hệ thống ngân hàng toàn cầu đang gặp áp lực lớn, một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008 vẫn còn khá xa.

Theo dự báo, một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008 vẫn còn khá xa.

Theo dự báo, một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008 vẫn còn khá xa.

Sau khi cắm đầu vào ngày 13/3, chỉ số ngân hàng khu vực S&P 1500 đã không thể duy trì một đợt phục hồi mạnh mẽ, nhưng cũng không tụt lại xuống mức thấp nhất. Các nhà đầu tư thường định giá cổ phiếu ngân hàng theo bội số của vốn chủ sở hữu - hay tài sản trừ đi nợ phải trả. Hiện nay, vốn hóa các ngân hàng lớn trong chỉ số KBW đã đi xuống dưới vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Tương tự, các ngân hàng châu Âu hiện vẫn có mức vốn hóa/vốn chủ sở hữu cao hơn so với thời kỳ khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro năm 2010. Tình hình đối với các ngân hàng chắc chắn vẫn căng thẳng, nhưng chưa đến mức có thể được gọi là “một cuộc khủng hoảng”. Một thước đo khác về sức mạnh ngân hàng cũng cho thấy có ít lý do để lo ngại, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy lòng tin đã bị phá vỡ, ít nhất là so với khủng hoảng năm 2008.

Thị trường trái phiếu cũng cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng cũng chưa đến độ khủng hoảng. Theo đo lường của Bloomberg, lợi suất trái phiếu lãi suất cao (hay còn gọi là trái phiếu "rác") của châu Âu và Mỹ đều đã đi lên. Tuy nhiên, mức lợi suất hiện nay vẫn không thể so sánh so với thời điểm 2008. Xâu chuỗi lại, tình trạng hiện nay có thể chỉ là khủng hoảng niềm tin do vấn đề thanh khoản (việc các ngân hàng có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng hay không), chứ không phải khả năng thanh toán (khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính và trả nợ dài hạn).

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Ngành ngân hàng gặp khó nhưng "chưa đến mức khủng hoảng" tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan