Thoát khủng hoảng nợ trở thành mục tiêu khó của thế giới
TCDN - S&P Global Ratings nhận định các quốc gia sẽ không có con đường dễ dàng để thoát khủng hoảng nợ, mà sẽ cần đến sự thay đổi sâu sắc về chính sách.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính thế giới đang nằm dưới một núi nợ khổng lồ, lên tới hơn 300.000 tỷ USD, theo CNN. Con số này bao gồm nợ của chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp trên thế giới tính đến tháng 6/2022 .
Khoản nợ 300.000 tỷ USD tương đương với 349% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới. Trung bình mỗi người trên thế giới, bất kể già hay trẻ, đang gánh khoản nợ 37.500 USD.
Vào năm 2022, nợ chính phủ/GDP toàn cầu cũng đã lên mức 102%. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thế giới ngày càng mắc nợ nhiều hơn.
Trong một báo cáo của S&P Global Ratings, hai tác giả Terry Chan và Alexandra Dimitrijevic nhấn mạnh rằng nhu cầu vay nợ - dùng để hỗ trợ người tiêu dùng chống lại lạm phát, tái thiết cơ sở hạ tầng hay giải quyết tác động của biến đổi khí hậu - tiếp tục tăng lên.
“Lãi suất tăng cao và kinh tế chậm lại khiến gánh nặng nợ cao thêm”, các tác giả bình luận. Lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng trung bình 3 điểm phần trăm trong năm 2022. Hoạt động thắt chặt lãi suất đã khiến chi phí trả lãi tăng thêm 3.000 tỷ USD.
Đồng thời, nợ đã trở nên kém hiệu quả hơn kể từ năm 2007. Hay nói cách khác, giá trị mà mỗi đồng USD được vay thêm mang lại cho nền kinh tế đã giảm.
Lãi suất cao đã gây tổn hại tới các chính phủ và tập đoàn có xếp hạng tín dụng thấp. Những hộ gia đình có thu nhập thấp cũng đang phải đối phó với chi phí ngày càng tăng từ thẻ tín dụng, nợ thế chấp mua nhà và nợ ô tô.
Nếu nợ tiếp tục tích lũy và các ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất, gánh nặng trên cũng như nỗi lo về suy thoái sẽ tăng lên.
Khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, việc vay mượn của các tập đoàn cũng trở nên tốn kém hơn. Các doanh nghiệp ở Mỹ đã cảm thấy tác động của việc tăng lãi suất, và có thể sẽ nâng giá, hoặc giảm chi tiêu cho tăng trưởng, mở rộng sản xuất.
Lãi suất tăng cũng tác động tới giá cổ phiếu. Việc Fed mạnh tay nâng lãi suất vào năm 2022 đã góp phần khiến S&P 500 giảm gầm 20%.
Hai tác giả Chan và Dimitrijevic nhận định rằng không con đường dễ dàng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. Nỗ lực tránh một cuộc khủng hoảng nợ sẽ đòi hỏi những hành động mà công chúng không ủng hộ, và “thiết lập lại” tư duy của các nhà hoạch định chính sách.
Sự “thiết lập lại” có thể khiến việc cho vay trở nên thận trọng hơn, hạn chế tiêu dùng quá mức, tái cấu trúc những dự án hoặc tổ chức không tạo ra lợi nhuận.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899