Ngành Thuế "không chủ quan" trong thu ngân sách những tháng cuối năm
TCDN - Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vẫn còn hết sức nặng nề, không cho phép ngành Thuế chủ quan.
Những tháng cuối năm dự còn tiếp tục khó khăn
Năm 2024, dự toán thu ngân sách Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; Thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng; Thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và LNCL, thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN (thu thuế, phí nội địa) là 1.085.241 tỷ đồng.
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, bám sát các yêu cầu, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ chương trình công tác thuế năm 2024, trong đó đã chỉ đạo toàn ngành Thuế tập trung triển khai công tác hỗ trợ người nộp thuế (NNT) nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác quản lý thu NSNN để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 được giao.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.
Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% so với dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu NSNN 6 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ, với 12/21 khoản thu, sắc thuế và 30/63 địa phương đạt trên 55% dự toán, có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Còn lại 33/63 địa phương thu đạt dưới 55%, trong số đó có: 26/33 địa phương tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước; 09/63 địa phương đạt thấp chủ yếu do nguồn thu từ sản xuất thủy điện chiếm tỷ trọng lớn phụ thuộc vào thời tiết nguồn thu này còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết tiêu cực, dự báo thu những tháng cuối năm còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rất khó hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.
Theo Tổng cục Thuế, để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và gian lận trong hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT; chỉ đạo các Cục Thuế xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế GTGT đạt tối thiếu 10% tổng số danh sách kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Năm 2024, thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoàn thuế có rủi ro cao, phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh và phối hợp xác minh hóa đơn trong thanh tra, kiểm tra hoàn thuế; đẩy mạnh triển khai Ứng dụng xác minh hóa đơn tại cơ quan thuế các cấp. Đến nay, đã có 59/63 Cục Thuế đã xây dựng kế hoạch, chuyên đề thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT với 1.232 doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm báo cáo, 63 Cục Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với 2.258 quyết định hoàn, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 14.241,5 tỷ đồng. Có 654 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn có phát sinh số thuế truy hoàn và phạt số tiền là 155,2 tỷ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó: số thuế truy hoàn là 72,2 tỷ đồng, phạt là 83 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 124,2 tỷ đồng.
Không cho phép ngành Thuế chủ quan
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn những khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Tổng cục Thuế, cùng với nỗ lực, trách nhiệm của tập thể cán bộ công chức cơ quan thuế thì kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm là khá tích cực. Cơ bản các mặt công tác quản lý thuế và chống thất thu đều thu được những kết quả khả quan.
Mặc dù vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vẫn còn hết sức nặng nề, không cho phép ngành Thuế chủ quan. Tiến độ thu một số địa phương chậm; nợ thuế tăng cao; việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ sẽ ảnh hưởng nhất định tới nguồn thu.
Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao năm 2024, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu toàn ngành cần tập trung triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách tối thiểu 5%. Cùng với đó cần tổ chức triển khai có hiệu quả, thiết thực các gói hỗ trợ đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua tại các Nghị quyết 14/2024/QH15 và Nghị định 72/2024/NĐ-CP (giảm thuế GTGT 2%), Nghị định 64/2024/NĐ-CP, Nghị định 65/2024/NĐ-CP (gia hạn nộp thuế), thông tin tuyên truyền cụ thể tới các đối tượng thụ hưởng chính sách. Tham mưu thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế chính sách quản lý thuế, trước hết là 3 Nghị định quan trọng là Nghị định sửa Nghị định 123/2020 về hóa đơn chứng từ; Nghị định sửa Nghị định 132/2020; Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong thời gian tới cơ quan Thuế cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế từ cách thức tới nội dung, thông điệp truyền tải rõ ràng, đảm bảo đúng phương châm "Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ", hướng tới thúc đẩy việc tuân thủ thuế một cách tự nguyện, nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN, chuẩn bị tốt cho năm 2025 và các năm tiếp theo.
Đối với công tác nội ngành, ông Thành đề nghị tiến tới thiết lập quản trị nội ngành trên cơ sở kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kiểm tra chuyên đề, phát hiện sớm những tồn tại của hệ thống hướng tới mô hình phục vụ tốt hơn nữa người dân doanh nghiệp. Tiến tới, từ quý 3/2024, ngành Thuế sẽ thực hiện chấm điểm công chức của ngành thuế. Đối với những công chức có điểm số thấp thì sẽ xem xét thực hiện đào tạo tại Trường bồi dưỡng cán bộ Thuế đến khi nào có số điểm đạt chuẩn thì mới quay trở lại làm việc.
“Cả hệ thống thuế cần phát huy được tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm, tự tôn tự trọng của người cán bộ công chức thuế từ lãnh đạo cho đến ý thức của mỗi cán bộ công chức có như thế chúng ta mới áp dụng được toàn phần các giải pháp cải cách hành chính. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải khơi dậy được nhiệt huyết của cán bộ công chức và tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo tại tất cả hệ thống cần quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của mỗi cán bộ, công chức để cán bộ, công chức tận tụy với công việc và coi cơ quan là ngôi nhà thứ hai của mình”, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Nỗ lực hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kế hoạch
Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế thực hiện đạt 245.034 tỷ đồng (bằng 64,2% dự toán pháp lệnh và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong nửa cuối năm 2024, định hướng lớn của Cục Thuế là tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp đã đề ra từ đầu năm.
Trong đó, trước hết là tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các chức năng quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, trọng tâm là: Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh tế số; kiểm soát chặt chẽ, đôn đốc kịp thời các khoản nợ đọng, phấn đấu tỷ lệ nợ đảm bảo chỉ tiêu theo yêu cầu.
Cùng với đó, Cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả các chính sách về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế của Trung ương và Thành phố, qua đó giúp doanh nghiệp, người nộp thuế ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế; đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, cũng như thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội tập trung chống thất thu thuế đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, gian lận hóa đơn điện tử.
Tại Tp.HCM, Cục Thuế thành phố được giao dự toán 351.860 tỷ đồng (thu nội địa 333.960 tỷ đồng, thu từ dầu thô 17.900 tỷ đồng).
Kết quả thu ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm đạt 206.380 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu loại trừ các khoản thu đột biến và tác động của chính sách thì tổng thu sáu tháng đầu năm 2024 tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Một số khoản thu, sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn đạt tốc độ thu khá như: Thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 61.607 tỷ đồng, đạt 66,2% dự toán, tăng 21% so với cùng kỳ; thuế giá trị gia tăng ước đạt 44.074 tỷ đồng, đạt 55% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 35.427 tỷ đồng, đạt 61,1% so với dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ.
Về triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2024, với mục tiêu phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt kết quả cao nhất, Cục Thuế thành phố tổ chức đôn đốc, triển khai hiệu quả các giải pháp thu thường xuyên như: tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước qua việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng kịp thời.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý nguồn thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa từ các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, thu từ đất…
Tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2024, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Dũng đề nghị: Ngành Thuế thành phố cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, có biện pháp phối hợp, chỉ đạo kịp thời để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2024.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cũng lưu ý ngành Thuế thành phố cần có giải pháp hiệu quả hơn trong thu hồi nợ đọng. Hiện nay, nợ thuế trên địa bàn thành phố đang chiếm tỷ lệ lớn trên tổng số thu; do đó, Cục Thuế thành phố cần phối hợp với các cơ quan, địa phương trong trao đổi, cung cấp thông tin, áp dụng các biện pháp cưỡng chế linh hoạt phù hợp nhằm thu hồi nợ đọng.
Ngoài ra, trong quản lý kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan Thuế cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để bảo đảm tính công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh và mở rộng nguồn thu.
Tại tỉnh Quảng Nam, dự toán thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính giao 19.605 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 20.100 tỷ đồng (tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết 2.800 tỷ đồng). Dự toán thu ngân sách không kể tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết là 17.300 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của Quảng Nam là 9.309 tỷ đồng, đạt 46,3% dự toán, bằng 91,6% so cùng kỳ. Tổng thu trừ tiền sử dụng đất, xổ số là 8.823 tỷ đồng, đạt 51% dự toán, bằng 98,8% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành Thuế tỉnh Quảng Nam sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước theo Đề án "Chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Nam" đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phấn đấu hoàn thành dự toán được giao, giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu ngành Thuế của tỉnh chung tay cùng các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện mọi biện pháp để khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, chống thất thu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899