Nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc do khối nợ của chính quyền địa phương

24/10/2023, 07:50
báo nói -

TCDN - Khối nợ của chính quyền các địa phương hiện tương đương 45% GDP, một yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát của khủng hoảng tài chính.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến bong bóng bất động sản xì hơi, hàng loạt chính quyền địa phương phải chật vật để trả bớt nợ và hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả hai tình trạng này.

Ở bất kỳ nền kinh tế nào khác, những yếu tố như thế là dấu hiệu báo trước của một cuộc khủng hoảng tài chính, Wall Street Journal (WSJ) lập luận.

Mặc dù vậy, nhiều người tin rằng khủng hoảng tài chính sẽ không phát sinh tại Trung Quốc bởi đa số khoản nợ thộc về các nhà đầu tư trong nước và chính phủ nắm quyền kiểm soát phần lớn hệ thống tài chính.

WSJ lo ngại rằng có thể quan điểm ấy đã không còn đúng.

Quả thực, một cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009 rất khó xảy ra. Song, sự mất cân đối về tài khoá và tài chính của Trung Quốc hiện đang lớn đến mức nước này và cả nền kinh tế thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro khó lường.

Triển vọng kinh tế đáng ngại

Các vấn đề của Trung Quốc trở nên đáng báo động hơn sau loạt báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tuần trước.

Thứ nhất, dù Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP quý 3 là 4,9%, triển vọng trung hạn của nền kinh tế này đang xấu hơn rõ rệt.

ngan hang trung quoc

Theo IMF, trong 4 năm tới, Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 4% mỗi năm - giảm với dự báo 4,6% công bố vào năm ngoái. Trung Quốc sẽ càng khó thoát cảnh nợ nần hơn so với khi tăng trưởng đạt mức 10% cách đây một thập kỷ.

Thứ hai, IMF còn nâng dự báo thâm hụt ngân sách của chính phủ Trung Quốc từ mức 7,1% GDP năm nay lên 7,8% vào năm 2028. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Mỹ đạt thâm hụt ngân sách đến mức này.

Khối nợ của chính quyền địa phương

Vấn đề không nằm ở chính quyền trung ương mà là chính quyền các địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đã vay tiền ồ ạt thông qua các công cụ huy động vốn đặc biệt gọi là LGFV để tài trợ cho các dự án hạ tầng.

Khối nợ của chính quyền các địa phương hiện tương đương 45% GDP và nếu tính thêm khoản mục này, khối nợ của chính phủ Trung Quốc sẽ tương đương 149% GDP vào năm 2027, cao hơn mức 141% của Italy.

Hiện tại, nhiều chính quyền địa phương đang phải vật lộn để trả nợ khi hoạt động bán đất đình trệ. IMF ước tính khoảng 30% LGFV sẽ không thể sống sót “nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ”.

Đây là một bài toán lớn cho các ngân hàng Trung Quốc, những tổ chức đang nắm khoảng 80% khối nợ của chính quyền địa phương.

IMF ước tính chỉ một nửa chi phí để tái cơ cấu khối nợ của các địa phương đã khiến hệ thống ngân hàng phải chịu tổn thất lên tới 465 tỷ USD. Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng sẽ giảm 1,7 điểm %.

Theo WSJ, so với các ngân hàng trên toàn cầu, các ngân hàng Trung Quốc ngay từ đầu đã không có đủ vốn. Nếu suy thoái xuất hiện, nguồn vốn đó có thể bị hút cạn.

IMF đã thử phân tích sức khoẻ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng GDP trung bình trong ba năm tới chỉ đạt 1% thay vì 5% và giá bất động sản giảm mạnh. Kết quả là, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Trung Quốc đã tụt mạnh từ mức 11% hồi năm ngoái xuống 7,1% vào năm 2025.

Ngoài ra, phản ứng dây chuyền cũng có khả năng xuất hiện. Khi tổn thất từ hoạt động cho vay tăng lên, các ngân hàng giảm mức cho vay. Chính quyền các địa phương sẽ không thể vay mượn và do đó phải cắt giảm đầu tư cũng như chi tiêu cho dịch vụ xã hội. Tăng trưởng kinh tế  và giá bất động sản sẽ còn rớt thảm hơn nữa.

Tùng Lâm/WSJ
Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc do khối nợ của chính quyền địa phương tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan