Nhập khẩu xăng dầu, than đá tăng trên 120%
TCDN - Bộ Công Thương cho biết, trong 7 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 125,7%; dầu thô tăng 31,2; Khí đốt hoá lỏng tăng 43,3%...
Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022 của Bộ Công Thương, cho thấy, trong tháng 7 giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 76,06 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 139,5 tỷ USD, tăng 13,7%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 191,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 125,7%; dầu thô tăng 31,2; Khí đốt hoá lỏng tăng 43,3%...
Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mì tăng 22,8% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 77,5%; hóa chất tăng 30,2%; cao su các loại tăng 27%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%; phôi thép tăng 26%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 7 tháng ước tính tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,5 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu rau quả tăng 27,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 38%; chế phẩm thực phẩm khác tăng 31,3%… so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,45 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 37,28 tỷ USD, tăng 23,7%; ASEAN đạt 28,2 tỷ USD, tăng 13,6%; Nhật Bản đạt 13,99 tỷ USD, tăng 9,8%; EU đạt 9 tỷ USD, giảm 6,1 so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại ước tính tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, với khoảng 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899