NHNN muốn doanh nghiệp, ngân hàng thương mại được sản xuất vàng miếng
TCDN - Doanh nghiệp và ngân hàng thương mại có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng nếu đáp ứng loạt điều kiện nghiêm ngặt như: có giấy phép kinh doanh vàng miếng, vốn điều lệ từ 1.000 đến 50.000 tỷ đồng, không vi phạm quy định về kinh doanh vàng và có quy trình nội bộ về sản xuất vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Tại dự thảo Nghị định bãi bỏ các nội dung về: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng (khoản 3 Điều 4); NHNN xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (khoản 3 Điều 14).
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nội dung về: khái niệm vàng miếng (khoản 2 Điều 1); trách nhiệm của các tổ chức được phép sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng miếng, xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng (khoản 8 Điều 1); xuất khẩu, nhập khẩu vàng (khoản 9 Điều 1); trách nhiệm của NHNN và các bộ, ngành, cơ quan liên quan (khoản 10, 11 Điều 1); chỉnh sửa kỹ thuật tại các quy định liên quan để đảm bảo thống nhất các nội dung.

(Ảnh minh họa)
Theo Ngân hàng Nhà nước, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Thông báo số 211-TB/VPTW, bao gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo hướng thị trường hóa có lộ trình và có kiểm soát chặt chẽ; tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa thị trường vàng trong nước và thị trường quốc tế.
Xoá bỏ thế độc quyền nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, nhưng có thể cấp phép cho nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó giúp đa dạng hóa nguồn cung và ổn định giá cả.
Mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng, góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thể giới, đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới.
Khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức trong nước để từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế tác, xuất khẩu vàng trang sức chất lượng cao, chuyển hóa vàng tích trữ thành sản phẩm có giá trị gia tăng.
Nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành, nhất là trong phòng, chống buôn lậu vàng. Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường vàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch, để thu thuế, quản lý, đánh giá tác động đối với thị trường vàng ngoại hối, tỉ giá, các kênh đầu tư khác nhau.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4, theo đó hoạt động sản xuất vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp Giấy phép. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với mục tiêu chuyển từ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng sang cơ chế cấp phép hoạt động sản xuất vàng miếng.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung Điều 11a sau Điều 11 quy định về điều kiện cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng, bao gồm điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp và cho ngân hàng thương mại (NHTM).
Cụ thể, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc nếu đã từng bị xử phạt thì phải hoàn tất các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định; đồng thời phải có quy trình nội bộ quy định rõ về hoạt động sản xuất vàng miếng.Tương tự, ngân hàng thương mại cũng có thể được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng nếu đáp ứng các tiêu chí: có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; vốn điều lệ đạt tối thiểu 50.000 tỷ đồng; không bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến kinh doanh vàng, hoặc nếu đã từng vi phạm thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan chức năng; có quy trình nội bộ quy định cụ thể về sản xuất vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, quy định các điều kiện nêu trên để đảm bảo NHTM, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng là các tổ chức có kinh nghiệm, có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện sản xuất vàng miếng. Đây cũng là cơ sở cần thiết để doanh nghiệp, NHTM có thể bắt tay ngay vào hoạt động sản xuất vàng miếng khi được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng, đáp ứng yêu cầu cấp bách về quản lý hiệu quả thị trường vàng trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo nguyên tắc nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng như chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Thông báo số 211-TB/VPTW.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 14 theo hướng bãi bỏ hoạt động “tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” của NHNN. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm thống nhất với định hướng xoá bỏ cơ chế độc quyền nhà nước trong việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899