Những dự án BT dính lùm xùm của Tp.HCM chưa thể về đích
TCDN - Hiện trên địa bàn Tp.HCM đang có nhiều dự án BT được triển khai, tuy nhiên, đến nay, chưa có dự án nào về đích, đa phần đang chậm tiến độ nhiều năm. Một trong những vướng mắc là quỹ đất đổi cho nhà đầu tư, đội vốn, giải phóng mặt bằng….
Ngoài dự án BT (hợp tác - chuyển giao) nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng thuộc tuyến Vành đai 2 như Tài chính doanh nghiệp đã phản ánh, còn đó một số dự án BT khác mà Tp.HCM đang triển khai cũng gặp nhiều vướng mắc, chưa thể tháo gỡ. Trong khi, nhà đầu tư tham gia dự án cũng "mắc kẹt" tại các dự án nhiều năm. Điển hình như dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3), dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM (có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1, trải dài trên địa bàn các quận 1, 4, 7…), dự án cầu Bình Tiên (quận 6)…
Ví như dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM đã chậm trễ nhiều năm qua, chưa thể đưa vào khai thác, vận hành. Một trong những nguyên nhân phát sinh là khi phụ lục hợp đồng BT hết hạn và công trình không thể được tái cấp vốn. Đến khi phụ lục hợp đồng BT của dự án được ký hồi đầu năm 2023 lại phải đợi Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) làm thủ tục giải ngân để tiếp tục thực hiện dự án.
Trong lúc đang chờ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa nhà đầu tư và ngân hàng thì UBND Tp.HCM lại kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho Thành phố được thanh toán trước cho hợp đồng này bằng 3 quỹ đất sạch.
Bên cạnh đó, một trong những phương án được đưa ra để giải quyết vốn cho nhà đầu tư là Tp.HCM đề xuất Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố (HFIC) nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách Thành phố theo quy định (với khoảng 1.800 tỷ đồng). Khi đó, HFIC sẽ cho nhà đầu tư vay để hoàn thành công trình, đến khi được nghiệm thu, Thành phố sẽ sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng và các phụ lục hợp đồng BT đã ký, từ đó, nhà đầu tư sẽ thanh toán khoản nợ với HFIC, đồng thời hoàn trả lại ngân sách Thành phố đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.
Mặc dù vậy, phương án này không thể thực hiện, bởi Sở Tài chính Tp.HCM cho rằng, nội dung đề xuất của UBND Tp.HCM về phương án ủy thác không phù hợp theo quy định như ý kiến của Bộ Tài chính, vì vậy, không có cơ sở tham mưu đối với phương án ủy thác này.
Hay như đối với dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (hay quen gọi Nhà thi đấu), Văn phòng UBND Tp.HCM mới có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Tp.HCM tại cuộc họp tổ công tác xây dựng dự án BT: giao các sở, ngành xem xét phương án dừng dự án BT này, chuyển sang hình thức đầu tư công.
Dự án BT này có nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên đến nay, theo ghi nhận của PV vẫn là bãi đất trống, bỏ hoang, vây tôn ở 4 mặt tiền đường, bên trong là cỏ cây dại mọc um tùm giữa lòng trung tâm Thành phố. Dự án có tổng mức ban đầu được công bố là 988 tỷ đồng, đến điều chỉnh lần 2 lên 1.352 tỷ đồng năm 2013 và đến năm 2016 điều chỉnh lên gần 2.000 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến cho dự án chậm trễ là chưa thống nhất được các khu đất để đền bù cho nhà đầu tư. Dự án chậm trễ không chỉ gây mỹ quan đô thị giữa long trung tâm Thành phố mà còn gây lãng phí rất lớn, trong khi người dân lại thiếu các thiết chế về thể dục thể thao.
Ngoài ra, còn đó là một số dự án như Xây dựng đường Song Hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến vành đường Vành đai 2 (Tp. Thủ Đức) cũng đầu tư theo hình thức BT. Dự án được khởi công vào tháng 4/2017 đến nay vẫn chưa xong. Hay còn đó là dự án cầu Bình Tiên (quận 6) được Thủ tướng đồng ý cho Tp.HCM quyết định lựa chọn hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án từ năm 2010.
Đến năm 2011, UBND Tp.HCM phê duyệt dự án đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư là 2.382 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.607 tỷ đồng và ký thỏa thuận đầu tư theo hình thức BT với nhà đầu tư vào năm 2018.
Tuy nhiên, đến năm 2020 thì bỏ hình thức đầu tư BT, chuyển sang hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đến nay, Sở Giao thông vận tải Tp.HCM cho biết về dự kiến tiến độ triển khai dự án, trong năm 2023-2024 sẽ chuẩn bị dự án và sẽ khởi công công trình vào năm 2025, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng khai thác năm 2027 đến 2028. Như vậy, với dự án BT này, hiện chuyển sang hình thức PPP đã mất hơn 13 năm, tuy nhiên vẫn chưa thể đưa vào khởi công, xây dựng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899