Phục hồi sau đại dịch, Sầm Sơn trở thành trọng điểm du lịch biển khu vực phía Bắc
TCDN - Hơn 2 năm với những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID -19, du lịch Sầm Sơn đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022.
Thanh Hóa là vùng đất trọng yếu, “cầu nối” giữa Bắc bộ và Bắc Trung bộ, có nhiều đóng góp to lớn vào tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến quê hương của những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đặc sắc, đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ.
Nằm trong lòng Thanh Hóa, Sầm Sơn được biết đến là nơi “Sơn kỳ, thủy tú”, với bãi biển đẹp, núi non trùng điệp, khí hậu trong lành, cùng nhiều di tích, danh thắng kỳ thú, đã tạo nên những giá trị văn hóa, du lịch độc đáo, nổi trội, mang bản sắc riêng biệt. Nhận thấy Sầm Sơn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương, ngay từ năm 1907, người Pháp đã bắt đầu khai thác giá trị du lịch của Sầm Sơn. Trải qua quá trình lịch sử 115 năm, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, các thế hệ người dân Sầm Sơn đã bám trụ nơi “đầu sóng ngọn gió”, đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa và cả nước lập nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 1960, Sầm Sơn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và ân cần căn dặn “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải”.
Trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng, cần được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Ngay từ năm 1989, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn - sức khoẻ - kinh tế - bạn bè”, tạo bước ngoặt lớn, đánh thức tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Sầm Sơn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Sầm Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng; văn hóa trong du lịch chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện, đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch, qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, cải thiện mạnh mẽ hình ảnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Sau hơn 2 năm với những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả ấn tượng. Trong đó, đặc biệt có thành phố Sầm Sơn. Những tháng đầu năm 2022 thành phố Sầm Sơn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành thành phố của lễ hội, Sầm Sơn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện xây dựng kế hoạch tổ chức 19 chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội, thể thao xuyên suốt năm 2022. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022.
Tính đến tháng 10/2022, thành phố đón được gần 6,9 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7% kế hoạch năm 2022; phục vụ gần 14 triệu ngày khách, gấp 3,99 lần so với cùng kỳ năm 2021; bằng 169,3% kế hoạch năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 13.976,6 tỷ đồng, gấp 51,74 lần so với cùng kỳ năm 2021; bằng 180,3% kế hoạch năm 2022.
Dự kiến trong năm 2022, thành phố đón được gần 7,1 triệu lượt khách, gấp 4,5 lần năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; phục vụ hơn 14 triệu ngày khách, gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 14.134,2 tỷ đồng, gấp 5,22 lần so với năm 2021, bằng 182,4% kế hoạch năm 2022.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 thành phố Sầm Sơn phấn đấu đón 7,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Đảng bộ và các cấp chính quyền thành phố Sầm Sơn sẽ tiếp tục tăng cường liên kết, kết nối du lịch Sầm Sơn với các khu, điểm du lịch của các địa phương trong tỉnh nhằm khai thác hiệu quả các tour, tuyến du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch, chiến lược làm mới diện mạo và xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Sầm Sơn, làm mới sản phẩm dịch vụ, để mỗi năm Sầm Sơn có ít nhất một cái mới, tạo điểm nhấn khác biệt, tạo sự cạnh tranh với nhiều khu, điểm du lịch biển trong tỉnh và trong khu vực; hướng đến xây dựng và phát huy “hương sắc bốn mùa” của du lịch Sầm Sơn.
Đồng thời, Sầm Sơn sẽ ập trung nguồn lực để làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành liên quan tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Sầm Sơn tại các địa phương trọng điểm về du lịch của các nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, tập trung phát triển thêm các dịch vụ du lịch khu vui chơi giải trí cao cấp, khu văn hóa, thể thao, du lịch mạo hiểm; các điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và đặc sản của các địa phương trong tỉnh cho khách du lịch...
Tăng cường liên kết, kết nối du lịch Sầm Sơn với các khu, điểm du lịch của các địa phương trong tỉnh nhằm khai thác hiệu quả các tour, tuyến du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch, chiến lược làm mới diện mạo và xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Sầm Sơn, làm mới sản phẩm dịch vụ, để mỗi năm Sầm Sơn có ít nhất một cái mới, tạo điểm nhấn khác biệt, tạo sự cạnh tranh với nhiều khu, điểm du lịch biển trong tỉnh Thanh Hóa và trong khu vực; hướng đến xây dựng và phát huy “hương sắc bốn mùa” của du lịch Sầm Sơn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899