Quá hạn, nhiều cơ quan chủ sở hữu vẫn chưa gửi báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước
TCDN - Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm ngày 31/7/2022, mặc dù đã quá thời hạn theo quy định là 2 tháng (31/5/2022), còn nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính, báo cáo đánh giá và xếp loại doanh nghiệp hàng năm của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết, đối với công tác giám sát doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, theo quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính, Báo cáo đánh giá và xếp loại doanh nghiệp hàng năm đối với các doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/5 của năm tiếp theo.
Đối với báo cáo giám sát, có 15/20 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; 4/20 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ); 1/20 cơ quan ngang Bộ gửi chưa đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Đơn vị này mới báo có 7/19 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý).
57/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; 2/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi chưa đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước (Quảng Trị, Thái Nguyên); 4/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước (Kiên Giang, Tp.HCM, Hải Phòng, Bình Thuận).
Đối với Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, 12/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Báo cáo; 5/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi Báo cáo (gồm Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 1/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi đủ Báo cáo là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (2/12 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý).
59/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Báo cáo; 4/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa gửi Báo cáo gồm Kiên Giang, Tp.HCM, Hải Phòng, Bình Thuận.
Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm ngày 31/7/2022, mặc dù đã quá thời hạn theo quy định là 2 tháng, còn nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện gửi báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ về Bộ Tài chính dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp.
Trong đó, UBND Tp.HCM là cơ quan đại diện chủ sở hữu với số lượng doanh nghiệp lớn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trên cả nước nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.
Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện việc lập báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng, hàng năm và đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp đảm bảo đúng nội dung, biểu mẫu gửi về Bộ Tài chính để Bộ kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899