Quảng Ninh: Bất chấp dịch Covid-19, thu ngân sách vẫn tăng 9%
TCDN - Tính đến 24/4, tổng thu ngân sách nhà nước ở Quảng Ninh đạt 16.035 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Thu xuất nhập khẩu cũng tăng 9% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách tăng 9%
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến 24/4, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 16.035 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 12.065 tỷ đồng, bằng 95% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu đạt 3.959 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Về chi ngân sách địa phương đạt 5.233 tỷ đồng, bằng 18% dự toán. Chi đầu tư phát triển 2.299 tỷ đồng; chi thường xuyên đạt 2.934 tỷ đồng. Để đảm bảo cân đối ngân sách trong điều kiện những tác động của dịch Covid-19 đang tác động xấu lên tất cả các ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh dự kiến 2 kịch bản hụt thu và đề xuất các giải pháp bù hụt thu, cân đối ngân sách.
UBND tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận việc triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chậm. Việc xác định nhu cầu trung hạn của từng ngành, địa phương còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tế. Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, tiến độ giải ngân các công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Tính tới ngày 22/4, giải ngân đầu tư công đạt 2.299 tỷ đồng, bằng 14,1% kế hoạch.
Chỉ đạo đối với nội dung điều hành ngân sách, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký lưu ý cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách ở tất cả các cấp; khai thác tốt các khoản thu còn dư địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, dự kiến triển khai trong năm nay. Tập trung thu tiền sử dụng đất của các dự án có liên quan tới phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ, chế biến, chế tạo... Các địa phương, sở, ngành chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; tăng cường thực hiện các thủ tục về đất đai, đảm bảo tiến độ và các quy định của pháp luật.
Đối với chi ngân sách, thực hiện nguyên tắc có thu mới có chi, đảm bảo ưu tiên cao nhất cho cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, bố trí dự phòng ngân sách để bù đắp hụt thu. Kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở các cấp ngân sách và chỉ quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên, cắt giảm tối đa chi phí từ hội họp, tham quan học tập kinh nghiệm, đi công tác nước ngoài không cần thiết.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản cần tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định, bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, không dàn trải. Đặc biệt, phải đảm bảo khả năng cân đối vốn cho từng dự án đã xác định trong đầu tư công trung hạn.
Những dự án sử dụng các nguồn vốn đã xác định hụt thu phải dừng ngay
Về kế hoạch vốn đầu tư ngân sách tỉnh 2020, theo kế hoạch đến 30/9, phải giải ngân hết vốn đầu tư công, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đảm bảo tiến độ thu. Đối với những dự án sử dụng các nguồn đã xác định hụt thu sẽ phải dừng ngay.
Đối với những dự án khởi công năm nay mà còn vướng mắc thủ tục thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, phải khẩn trương báo cáo tháo gỡ, chỉ khi nào hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định mới được triển khai. Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành trong dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc như đường bao biển nối TP Hạ Long - TP Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1… Riêng Dự án Hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục, sẽ báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho chủ trương cụ thể.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã nghe và cho ý kiến về phương án điều chỉnh Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng vốn đầu tư trên 11.195 tỷ đồng, tổng chiều dài 80,23km quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h.
Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án, thời gian qua UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung vào kế hoạch kiểm toán trong năm 2019 đối với dự án. Trong đó: Soát xét tổng mức đầu tư, phương án tài chính và cơ sở điều chỉnh dự án khi xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, KT-XH như điều chỉnh vận tốc thiết kế từ 100km/h lên 120km/h; đề xuất các khuyến nghị giúp UBND tỉnh và nhà đầu tư dự án giải quyết các vướng mắc liên quan đến: Lãi vay, phương án tài chính, phương án tín dụng… và các hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh để đảm bảo thực hiện dự án.
Liên quan đến các nội dung điều chỉnh dự án, nhà đầu tư đề xuất: Điều chỉnh một số hạng mục của thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình và thực tế tại hiện trường; điều chỉnh quy mô đầu tư nâng vận tốc thiết kế từ 100km/h lên 120km/h; điều chỉnh một số nội dung trong phương án tài chính cho phù hợp với thực tế huy động vốn đầu tư và các quy định hiện hành. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh khoảng 13.036 tỷ đồng, tăng khoảng 1.840 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Trên cơ sở ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhất trí chủ trương điều chỉnh Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Cụ thể: Điều chỉnh điểm đầu dự án từ Km71+00 về Km87+080; giữ nguyên điểm cuối dự án tại Km150+339 (chiều dài dự án giảm từ 80,23km xuống còn 63,26km); nâng vận tốc thiết kế từ 100km/h lên 120km/h.
Đồng ý chủ trương sử dụng vốn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Km71+00 đến Km87+080 (dài 16,08km) thành dự án đầu tư công độc lập. Trên cơ sở đó, trách nhiệm của nhà đầu tư phải cao hơn, cam kết triển khai dự án đúng thời gian, tiến độ, đảm bảo thi công toàn tuyến.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và các địa phương có cao tốc đi qua. Do đó, cùng với việc quyết liệt triển khai dự án theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ quỹ đất hai bên đường cao tốc, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899