SHB nợ xấu tăng cao, dư nợ cho vay bất động sản “phình to”
TCDN - Tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của SHB đối với hai lĩnh vực trên là hơn 51.000 tỷ đồng, tăng gần 5.500 tỷ đồng và chiếm 21,3% tổng dư nợ cho vay của nhà băng này.
Song song với nợ xấu tăng cao tăng 39% chiếm hơn 7.227 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 26% lên hơn 4.945 tỷ đồng, thì dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng của SHB đối với hai lĩnh vực đang “phình to” chiếm 21,3% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này.
SHB dư nợ cho vay bất động sản ngày càng lớn
Ở bài trước Tài chính Doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng nợ xấu đang tiếp tục tăng cao tăng 39% chiếm hơn 7.227 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 26% lên hơn 4.945 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của SHB tăng lên từ mức 2,4% lên 2,86%.
Song song với khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng cao trở lại Ngân hàng SHB thì các khoản dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng lại đang tiếp tục “phình to”. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của SHB đối với hai lĩnh vực trên là hơn 51.000 tỷ đồng, tăng gần 5.500 tỷ đồng và chiếm 21,3% tổng dư nợ cho vay của nhà băng này. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản 19.400 tỉ, chiếm 8,07%; cho vay xây dựng là gần 31.700 tỷ, chiếm 13,19%.
Đứng trên SHB là ngân hàng VPBank có dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng lớn nhất với gần 67.600 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ so với cuối năm trước.
Tiếp đó là Techcombank với quy mô cho vay ở các lĩnh vực này khoảng 31.800 tỉ đồng, chiếm 17,1% tổng dư nợ cho vay. Hai ngân hàng khác cũng có dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng ở mức cao trên 20.000 tỷ gồm MBBank (25.600 tỷ đồng) và HDBank (24.100 tỷ đồng).
Các khoản cho vay thành nợ xấu và có nguy cơ khó thu hồi
Trong khoản 100 tỷ đồng mà Ngân hàng SHB cho Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng vay để góp vốn đầu tư cho chính dự án cải tạo chung cư cũ số 93 Láng Hạ. Chính khoản cho vay đầu tư này vào dự án 93 Láng Hạ không thực hiện được và khoảng 100 tỷ này đã biến thành nợ xấu.
Tại dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng đã được Tập đoàn Novaland mua lại, từ ngày 31/12/2017 ngân hàng SHB đã hợp tác cho vay mua căn hộ với Novaland tại dự án này với lãi suất 7,99%/năm. Được biết, tiền thân của dự án The Sunrise Bay trước đây là của Công ty TNHH Deawon Catavil được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu năm 2006 với vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2016 Công ty TNHH Deawon Catavil chuyển thành công ty hai thành viên và đã chuyển nhượng phần lớn vốn cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") làm Chủ tịch HĐQT. Tiếp đến, Công ty TNHH Deawon Catavil đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay.
Cuối năm 2016, chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH The Sunrise Bay đã thông qua nhà phân phối là Công ty Nova Đà Nẵng bán hơn 1.000 căn nhà phố, nhà biệt thự theo hình thức hợp đồng đặt cọc.
Theo hợp đồng giữa người dân với đơn vị phân phối thì chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà vào quý 1 và quý 2/2018. Nhưng hiện nay dự án đang tạm dừng khiến người mua nhà lo lắng.
Một dự án thế chấp 02 lần
Tại một dự án khác ở Lò Đúc quận Hai Bà Trưng thì Ngân Hàng SHB đang nhận thế chấp 2 lần dự án xây dựng khách sạn và căn hộ cao cấp với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo tìm hiểu thì dự án này được dùng để xây trường học, còn dự án xây dựng chung cư, khách sạn chưa hình thành, chưa được cấp phép xây dựng thế nhưng lại được ngân hàng SHB nhận thế chấp.
Ngày 25/2/2014, một công ty hợp đồng thế chấp số 210/2014/HĐTCTL-BTB/SHB.BN với SHB Chi nhánh Bắc Ninh. Theo đó, tài sản thế chấp là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2014/HĐ/TB-TS ký giữa Công ty này với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thái Sơn ngày 25/1/2014. Bao gồm toàn bộ Dự án tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại - Công trình CT1 tại Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tháng 12/2018, Công ty này tục thế chấp dự án tại Lò Đúc tại ngân hàng SHB chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội) số 239/2018/HĐTC-BTB/SHB.111200, hạn mức cho vay lên tới hơn 237 tỷ đồng. Theo nội dung hợp đồng ngày 29/12/2018, thì chủ đầu tư đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại” tại Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Vậy với việc ngân hàng SHB nhận thế chấp dự án này liệu có đúng pháp luật? Trong khi đó dự án chưa hình thành, được dùng để xây trường học và liệu khoản thế chấp này có khiến SHB lãnh thêm một khoản rủi ro? Nếu hồ sơ thế chấp không đủ điều kiện thì rõ ràng ngân hàng SHB sẽ vướng vào lùm xùm.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899