Siêu cổ phiếu “họ Vingroup”: Vốn hóa siêu khủng, thị giá cao, lợi nhuận thế nào?
TCDN - Nếu đầu tư vào VIC hiện cần bỏ ra 81 đồng mới được thu được 1 đồng lợi nhuận, trong khi bình quân trên thị trường con số này chỉ 12,8 đồng.
Cổ phiếu “họ Vingroup” vốn hóa vượt quá “họ ngân hàng”
Tập đoàn Vingroup (VIC), Công ty CP Vinhomes (VHM), CTCP Vincom Retail (VRE) đều là các siêu cổ phiếu, vốn hóa 03 cổ phiếu này rất lớn.
Theo mức giá đóng cửa ngày 11/10/2019, cổ phiếu VIC có giá 118.000 đ/CP với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 3,34 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của VIC là 394.820 tỷ đồng. VHM và VRE lần lượt có giá trị vốn hóa là 296.097 tỷ đồng và 75.337 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng cơ học thì tổng giá trị vốn hóa của ba cổ phiếu họ Vingroup theo mức giá cổ phiếu ngày 11/10/2019 là 766.254 tỷ đồng.
Với số tiền này, có thể mua được các doanh nghiệp nào trên thị trường chứng khoán (TTCK)?
Nếu mua ngân hàng và không vướng ngưỡng “không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ” của Luật thì có thể mua đứt gần như “toàn bộ” cả hệ thống các ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, Techcombank, Vietinbank, Vpbank... Vì theo tính toán, mức giá đóng cửa ngày 11/10/2019, tổng vốn hóa các ngân hàng là 765.151 tỷ đồng.
Cũng với số tiền này, có thể thâu tóm, chi phối toàn ngành F&B (nhà hàng và quầy uống trong khách sạn) gồm: Vinamilk, Sabeco, Habeco, Masan Consumer và cả ngành hàng không gồm: TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV), VietnamAirline, Vietjet mà vẫn còn thừa hơn 19.000 tỷ đồng. Số tiền thừa có thể mua thêm Coteccons, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG)…
Cổ phiếu VIC: Muốn lợi 1 đồng, cần 81 đồng, vượt xa chỉ số chung thị trường
Các nhà đầu tư hiện đang sẵn sàng trả mức rất cao cho các cổ phiếu họ Vingroup. Chỉ số P/E của VIC, VRE, VHM lần lượt là 81 lần, 28 lần, 17 lần.
P/E là 1 chỉ số quan trọng được sử dụng trong định giá cổ phiếu, được xác định bằng Giá thị trường của cổ phiếu (Price) chia cho Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Nói cách khác, P/E mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.
Nghĩa là nhà đầu tư đang chấp nhận bỏ ra 81 đồng để đổi lấy 01 đồng lợi nhuận từ VIC; tương tự đối với VRE là 28 đồng và VHM là 17 đồng.
Theo báo cáo phân tích của SSI Research, P/E của cả TTCK năm 2018 và dự báo cho năm 2019 lần lượt ở mức 15,2 lần và 12,8 lần.
Như vậy, chỉ số P/E của các cổ phiếu Vingroup hiện đang cao hơn rất nhiều mặt bằng chung của thị trường, đặc biệt là với VIC và VRE. Chỉ số P/E cao thể hiện kỳ vọng rất lớn của các nhà đầu tư vào sự tăng trưởng lợi nhuận của VIC trong tương lai. Có thể nhà đầu tư còn dựa vào quỹ đất tiềm tàng mà tập đoàn này đang sở hữu.
Với mức vốn hóa gần 400 nghìn tỷ đồng, giả định để giảm chỉ số P/E xuống tầm 20, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Vingroup cần tăng từ 3.776 tỷ đồng năm 2018 lên 20.000 tỷ đồng trong tương lai, tương đương mức tăng 5,3 lần. Liệu Vingroup có đáp ứng được kỳ vọng của thị trường?
Hãy chờ đợi những kỳ tích của Vingroup trong việc tạo ra lợi nhuận trong tương lai như các kỳ tích Vingroup đã làm được với ôtô Vinfast.
Giá trị vốn hoá thị trường là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, tương đương với giá thị trường của cổ phiếu nhân với số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Hiểu một cách đơn giản, giá trị vốn hóa của một doanh nghiệp là số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp này với mức giá cổ phiếu hiện tại.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899