Sử dụng phân bón hữu cơ: Phát triển nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững
TCDN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.
Tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta năm 2020 đạt khoảng 156 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, đây là nguồn nguyên liệu có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, tạo ra giá trị lớn cho ngành nông nghiệp. Nếu tận dụng tốt nguồn phụ phẩm này và đưa chúng trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, nghĩa là chúng ta đang thực hiện đúng chủ trương chung của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Thực hiện đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vì thế có ý nghĩa rất lớn.
Bên cạnh đó, việc tăng cường sức khỏe đất cũng như khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có từ các phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản; áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, ngày 7/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đề án được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể đến năm 2030, sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành chiếm khoảng 30%; công suất sản xuất phân bón hữu cơ đạt 5 triệu tấn; lượng phân bón hữu cơ sản xuất tại nông hộ đạt tối thiểu 20 triệu tấn; lượng phân bón hữu cơ công nghiệp chiếm khoảng 30% trong tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất trồng trọt. Xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia, bao gồm lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.
Ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả.
Xây dựng cơ sở pháp lý về phòng thử nghiệm kiểm chứng
Để triển khai Đề án hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ sở pháp lý về phòng thử nghiệm kiểm chứng; Tiến hành giải pháp thực hiện rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số.
Riêng đối với Cục BVTV, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, ngoài các nhiệm vụ đã được phân công cụ thể trong Đề án cho các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện như chính sách, khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình tiên tiến, đa dạng hóa các loại phân bón, hay thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo môi trường cho phân bón hữu cơ cạnh tranh lành mạnh; tuyên truyền, vận động người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ..., Cục BVTV sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Trong đó, chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan. Chỉ định các đơn vị có năng lực tham gia và tổ chức nghiên cứu về khoa học đối với các chương trình, dự án được phê duyệt. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai Đề án nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và có phương án giải quyết để đạt được mục tiêu của Đề án.
Về phía địa phương, Cục BVTV sẽ đề nghị sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt để xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn phù hợp với thực tiễn. Xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương. Tăng cường công tác tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, đổi mới phương thức tập huấn để hấp dẫn người tham gia.
Ngoài ra, triển khai xây dựng mô các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị cho các phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương, hỗ trợ và tạo mối liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Cùng với đó, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn.
Đối với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện Đề án, Cục BVTV sẽ tham gia đề xuất, tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao; xây dựng và triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phân bón, nâng cao khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899