Sửa đổi luật thuế: Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

03/08/2023, 16:19

TCDN - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu việc rà soát để sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp với rượu, bia

Sáng 3/8, Tổng cục Thuế họp rà soát, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Về xây dựng Luật thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ trong việc nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế TTĐB nhằm điều tiết tiêu dùng phù hợp xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành.

Đối với chính sách, giải pháp liên quan đến bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất với các Luật liên quan.

Song song với đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế TTĐB, xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Đồng thời đề ra được các giải pháp chính sách về đối tượng không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, hoàn thuế TTĐB..., trong đó cần căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định này, bám sát Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm giải pháp đề xuất có tính khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc, thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan.

Thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT

Về xây dựng Luật thuế GTGT (sửa đổi), tại Nghị quyết số 115/NQ-CP Chính phủ cơ bản thống nhất với 05 nhóm chính sách, gồm: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ với các yêu cầu sau:

Thứ nhất, nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế GTGT theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm minh bạch, công bằng, góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Thứ hai, nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về đối tượng không chịu thuế GTGT để thu hẹp hơn nữa phạm vi áp dụng nhằm bảo đảm tính liên hoàn của sắc thuế này, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế. Đối với một số giải pháp sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT (như ban hành Danh mục về sản phẩm tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu; tỷ lệ nguồn vốn khác trong hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân; hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích...) cần bổ sung cơ sở thuyết phục; giải pháp đề xuất bảo đảm minh bạch, khả thi, quản lý thu thuế được chặt chẽ.

Thứ ba, nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá tính thuế và khấu trừ thuế GTGT (như giá đất được trừ, định mức đối với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...) trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý, thống nhất với các luật chuyên ngành liên quan, bảo đảm tính ổn định của Luật.

Thứ tư, nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thuế suất thuế GTGT theo hướng giữ mức thuế suất theo quy định hiện hành; tiếp tục nghiên cứu thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm bình đẳng, minh bạch giữa các hoạt động kinh doanh; kế thừa quy định hiện hành về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu và quy định cụ thể các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành lưu ý: “Bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu chính sách thuế để có đề xuất giải pháp phù hợp, bảo đảm nguyên tắc xử lý thống nhất phù hợp với quy định pháp luật có liên quan và phù hợp với nguyên tắc thị trường, thông lệ quốc tế, các đơn vị tham mưu của Tổng cục Thuế cần tiếp tục rà soát để sửa đổi Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TTĐB bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải rõ ràng về trách nhiệm và xử lý vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan”.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế và các đơn vị, Vụ Chính sách có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung đề xuất, bổ sung các đánh giá có tính khoa học để việc sửa đổi các Luật cần bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật và phải lưu ý nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TTĐB trình Tổng cục báo cáo Bộ Tài chính để triển khai theo tiến độ lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Linh Giang
Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi luật thuế: Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nghiên cứu thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế GTGT 5%
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giữ mức thuế suất thuế GTGT theo quy định hiện hành, tiếp tục nghiên cứu thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 5% nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các hoạt động kinh doanh, minh bạch, quản lý thu thuế hiệu quả...
Chính phủ yêu cầu điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia và thuốc lá
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.