Taxi điện có làm thay đổi thị trường gọi xe công nghệ?

30/04/2023, 10:48
báo nói -

TCDN - Hiện tại, cuộc đua tranh giành thị phần tỷ đô của các hãng xe công nghệ vẫn chưa ngã ngũ. Sự có mặt của hãng taxi điện đầu tiên tại Việt Nam liệu có làm nên kỳ tích mở ra kỷ nguyên taxi thông minh, không khói xăng, thân thiện với môi trường như mong đợi?

Cuộc đua tranh giành thị trường tỷ đô

Theo Bộ Công Thương, thị trường gọi xe trực tuyến được định giá doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay.  Mức tăng trưởng gọi xe công nghệ cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam hứa hẹn tiềm năng lớn, được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”, khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chạy đua tranh giành.

Từ ngày 27/4, người dùng tại Tp.HCM có cơ hội trải nghiệm taxi điện, thêm một lựa chọn mới khi phải di chuyển trong những ngày hè nắng nóng.

Từ ngày 27/4, người dùng tại Tp.HCM có cơ hội trải nghiệm taxi điện, thêm một lựa chọn mới khi phải di chuyển trong những ngày hè nắng nóng.

Hiện tại, thị trường gọi xe taxi nói chung và taxi công nghệ tại Tp.HCM đang có rất nhiều ông lớn chia phần. Thị phần lớn nhất với xe công nghệ vẫn là Grab, Gojek, Be; với taxi truyền thống, 2 doanh nghiệp lâu năm là Vinasun và Mai Linh dẫn đầu. 

Theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam gồm: Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%. 

Mới đây, Taxi Xanh SM của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chính thức gia nhập cuộc đua tranh giành miếng bánh tỷ đô tại hai địa bàn lớn nhất nước là Tp. HCM và Hà Nội. 

Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM được Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng sáng lập, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó ông Vượng nắm giữ 95% cổ phần. Công ty hoạt động trong 2 lĩnh vực chính, là taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư 10.000 ô tô và 100.000 xe máy. 

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, khách hàng có thể lựa chọn hai dịch vụ là GreenCar - taxi tiêu chuẩn gồm 500 xe VF e34; hoặc LuxuryCar - taxi cao cấp gồm 100 xe VF 8. Trong thời gian tới, taxi Xanh SM sẽ bổ sung thêm mẫu VinFast VF 5 Plus vào đội xe GreenCar. 

Giá mở cửa cho km đầu tiên của dịch vụ GreenCar là 20.000 đồng. Với 24 km tiếp theo, giá cước đối với xe VF 5 Plus là 15.000 đồng/km, đối với xe VF e34 là 16.000 đồng/km. Từ km thứ 26 trở đi, giá cước lần lượt là 14.000 đồng/km đối với VF 5 Plus là 14.500 đồng/km đối với VF e34. Mức giá dành cho dịch vụ LuxuryCar là cố định 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình. 

Có thể thấy giá cước mở cửa của Taxi Xanh SM cũng ngang bằng với một số hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Group, G7, Sao Mai. Giá các km tiếp theo cũng tương đương các hãng taxi truyền thống và tất nhiên là sẽ đắt hơn các hãng taxi công nghệ.  

Cụ thể, giá của taxi công nghệ, cụ thể GrabCar là 29.000 đồng/2 km. Mỗi km tiếp theo có giá 10.000 đồng. Grab cũng tính thêm một số phụ phí theo thời tiết, giờ cao điểm. Tương tự, BeCar có giá 29.000 đồng. Từ km thứ 2 đến km 12 là 11.500 đồng/km. 

Như vậy, nếu tính giá cước đi một quãng đường 5 km thì Taxi xanh SM có giá khoảng 80.000 đồng, giá xe 4 chỗ lớn của Mai Linh khoảng 80.000 đồng, giá của VinaSun khoảng 90.000 đồng, của taxi Group khoảng 89.000 đồng, của taxi G7 khoảng 70.000 đồng, của Vinataxi khoảng 88.000 đồng. Trong khi đó giá GrabCar cộng phụ phí thời gian là khoảng 68.000 đồng. BeCar có giá là 75.000 đồng. 

Tuy nhiên, mô hình taxi Xanh SM có hình thức hoạt động đa dạng hơn khi khách hàng tại Tp. HCM có thể dễ dàng đặt xe qua rất nhiều kênh như  tổng đài toàn quốc 19002088, ứng dụng Taxi Xanh SM trên App Store và Google Play như các hãng xe công nghệ. Không chỉ vậy, khách hàng cũng có thể đón xe trực tiếp tại tất cả các Trung tâm Thương mại Vincom, các địa điểm công cộng trong thành phố hoặc trực tiếp vẫy xe trên đường. 

Theo số liệu của Socialite, tuy chỉ mới hoạt động được hơn hai tuần nay nhưng có đến 340.000 lượt tải ứng dụng Taxi Xanh SM, 300.000 lượt thảo luận trên MXH, gần 60.000 chuyến được thực hiện thành công, 600 xe hoạt động hết công suất. 

Theo tìm hiểu, các tài xế đăng ký gia nhập Taxi Xanh SM sẽ phải đáp ứng một số yêu cầu tuyển dụng khá cao. Điều kiện ứng tuyển là tài xế phải có lý lịch trong sạch, có kinh nghiệm 6 tháng làm việc tại các hãng xe công nghệ hoặc taxi truyền thống.

Tài xế sẽ được kiểm tra kỹ năng lái xe, thái độ ứng xử trong các tình huống thực tế. Khi được nhận vào hãng, tài xế sẽ có mức thu nhập là 11 triệu đồng/tháng cộng 25% hoa hồng, với điều kiện đạt đủ doanh thu theo yêu cầu của hãng. Trong đó 11 triệu bao gồm 7 triệu lương cứng + 2 triệu phụ cấp + 2 triệu theo đánh giá của khách hàng. Như vậy nếu tài xế nào không được khách hàng đánh giá tốt thì mức lương tháng của họ sẽ chỉ còn 9 triệu đồng + 25% hoa hồng. Các tài xế được yêu cầu cọc trước 8 triệu đồng để có trách nhiệm hơn trong công việc (số tiền này tài xế sẽ được nhận lại nếu nghỉ việc). 

Trên các trang mạng xã hội, mọi người đánh giá đây có thể là cơ hội việc làm tốt cho các tài xế. Bởi lẽ, nếu xảy ra những bất ổn như dịch bệnh, khủng hoảng...thì việc có lương cứng sẽ đảm bảo thu nhập thiết yếu cho người lao động.

Thế mạnh của taxi Xanh SM là thế hệ taxi điện đầu tiên không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường. Với đội ngũ tài xế được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đây là sẽ điểm nhấn để GSM cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ đình đám như Grab, Gojek.

Thời gian qua, GSM cũng liên tục ký kết hợp tác với các hãng taxi truyền thống và các ứng dụng gọi xe công nghệ trong việc cung cấp xe điện, đưa taxi điện vào nền tảng của các ứng dụng gọi xe công nghệ hướng đến mục tiêu “xanh hoá” giao thông công cộng tại Việt Nam. 

Đồng thời, Taxi Xanh SM không hoạt động độc lập mà bắt tay với Be Group nhằm tận dụng tập khách hàng sẵn có của Be cũng như hỗ trợ các tài xế của Be chuyển đổi phương tiện nếu họ có nhu cầu. Thông qua Be Group, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận hành (bán hàng và chăm sóc khách hàng). Màn bắt tay giữa GSM và Be Group hứa hẹn mang đến một sự cạnh tranh hấp dẫn trên thị trường vận tải hành khách.  

Đón đầu xu hướng 

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xe điện là xu hướng của vận tải trong tương lai, đó là một thực tế. Chính phủ cũng đã cho thấy định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng tốt hơn cho môi trường thể hiện qua các Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.  

Trước xu thế điện khí hóa toàn cầu, nhiều hãng taxi trên thế giới đã quyết định chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Tại New York (Mỹ), hiện nay, không khó để bắt gặp những mẫu xe điện Tesla hay Nissan Leaf được dùng để lái taxi hoặc xe công nghệ. 

Trước đó, tại Na Uy, từ năm 2019, chính quyền Thủ đô Oslo đã cho lắp đặt hệ thống sạc không dây dành riêng cho taxi điện. Theo kế hoạch, Na Uy sẽ hoàn thành điện khí hóa vào năm 2025, đồng nghĩa với việc 100% taxi tại nước này sẽ phải chạy bằng điện. 

Tại Trung Quốc, sự phát triển của xe điện được các chuyên gia đánh giá là “thần tốc” khi liên tục phá vỡ kỷ lục về doanh số bán hàng lẫn quy mô ngành ô tô. Năm 2018, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển đổi 100% xe taxi của các thành phố lớn sang xe chạy điện. Kế hoạch ban đầu tưởng chừng bất khả thi, nhưng chỉ sau 5 năm, Trung Quốc đã tiến đến rất gần mục tiêu này. Hiện nay, lượng taxi điện tại tỉnh Thâm Quyến đã đạt 21.000 chiếc, tương đương 99% số taxi trên địa bàn thành phố. Tại thủ đô Bắc Kinh của nước này, để chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, các hãng taxi sẽ phải chi khoảng 1,3 tỷ USD và sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Từ tháng 7/2021, Grab đã bắt đầu triển khai dịch vụ mới cho phép người dùng gọi xe hybrid hoặc xe điện với mức phí tương tự như gọi xe thông thường tại thị trường Singapore. Trong báo cáo ESG được phát hành vào tháng 6/2021, Grab cho biết họ đang hướng tới "một tương lai không khí thải carbon" thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng xe điện trong đội ngũ đối tác tài xế, cũng như các chương trình tái trồng rừng. 

Theo Reuters, Grab dự kiến triển khai 26.000 xe điện cho tới năm 2025 tại Indonesia. Gojek cũng đã đặt mục tiêu không tạo ra khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Điều này được cụ thể hoá bằng việc Gojek sẽ chuyển đổi tất cả các đội xe của họ sang xe điện. 

Tháng 5/2021, Gojek đã triển khai thử nghiệm chương trình xe điện ở Indonesia cùng đối tác công ty nhiên liệu quốc gia Pertamina và Perusahaan Listrik Negara, nhà sản xuất xe scooter Gesits, Viar, NIU Technologies, Honda và các nhà sản xuất xe hơi như Toyota Motor Corp và Mitsubishi Motors Corp. 

Về phía Be Group, công ty đồng ý rằng việc chuyển đổi sang xe điện vẫn còn ở giai đoạn rất sớm và là một nhiệm vụ khó khăn ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ khẳng định rằng “đó là một khoản đầu tư cho tương lai”. 

Tuy nhiên, liệu những yếu tố này có đủ để giúp GSM tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực gọi xe hay không vẫn còn là dấu hỏi. Sẽ cần một khoảng thời gian để đánh giá hiệu quả của mô hình taxi điện này.

Còn ở thời điểm hiện tại, trước động thái của GSM, nhiều hãng taxi cũng đang “đứng ngồi không yên”. Tới đây, khi những chiếc taxi điện chạy trên đường, “miếng bánh” thị phần sẽ ngày càng nhỏ lại, buộc các hãng taxi phải nhìn nhận lại và thay đổi chiếc lược của mình. 

Có thể thấy rằng, sau hơn một thập kỷ hoạt động, cả Grab và Gojek vẫn chưa đạt được lợi nhuận, điều đó có nghĩa là các công ty phải tiếp tục đầu tư lâu dài vào ngành.

Thực tế, cả Be, Grab, Gojek đều chưa ghi nhận lợi nhuận tại thị trường Việt Nam mặc dù doanh thu Grab vẫn vượt trội hơn. Tính đến cuối năm 2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng, còn lỗ lũy kế của Gojek Việt Nam cũng đã lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. 

Nhìn chung, thị trường gọi xe trực tuyến vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” và kinh doanh có lãi vẫn luôn là bài toán đầy thách thức của các hãng xe, vẫn chưa thể khẳng định ai đang thắng thế. 

Nhưng điều chắc chắn rằng, càng có nhiều sự lựa chọn thì người dân Việt Nam sẽ càng được lợi, sức cạnh tranh của thị trường sẽ cho ra nhiều dịch vụ ngày càng thân thiện, tiện ích hơn cho người tiêu dùng.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Taxi điện có làm thay đổi thị trường gọi xe công nghệ? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Lô 999 xe điện đầu tiên của VinFast đến Mỹ
Ngày 21/12, đại diện Công ty VinFast cho biết, lô xe điện xuất khẩu đầu tiên của doanh nghiệp này đã cập cảng Benicia, California (Mỹ). VinFast cũng đã chính thức hoàn thành các thủ tục để bán hàng tại Mỹ và bắt đầu bàn giao sản phẩm tới khách hàng ngay trong tháng 12/2022.