Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế
TCDN - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ để tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
Tham luận tại Đại hội XIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, bối cảnh thương mại giữa các nước lớn vẫn gia tăng, các đối tác thương mại lớn quan tâm sâu hơn về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ (CSTT) và gia tăng giám sát thương mại đối với Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với NHNN Việt Nam trong điều hành CSTT.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cải thiện chất lượng đầu vào cho hoạch định chính sách (nâng cao chất lượng thống kê, phân tích, dự báo), chủ động, thận trọng và linh hoạt điều hành các giải pháp và công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khoá để ứng phó linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế, tiền tệ thế giới.
Tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi, tạo dự trữ đệm để chống đỡ khi có các cú sốc xảy ra, góp phần tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ để tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; triển khai lộ trình từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam một cách thận trọng, phù hợp. Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; Tín dụng mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khuyến khích TCTD phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Thường xuyên cảnh bảo rủi ro, ngăn chặn khả năng phát sinh vi phạm, tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, lành mạnh, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt công tác phòng chống rửa tiền, tăng tính minh bạch đối với các giao dịch trong nền kinh tế, góp phần phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh tiền tệ quốc gia.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD.
Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các Bộ, ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán. Triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hoạt động ngân hàng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech); Triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cuối năm 2025 đạt được các mục tiêu của Chiến lược này đề ra cho giai đoạn 2020 – 2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899