Thống nhất bổ sung vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ cho các dự án
TCDN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Sáng 19/1, trong phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phải thuộc danh mục dự án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/7/2021. Đối với các dự án chưa thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phải bảo đảm các dự án được thay thế là thực sự cần thiết, đã có thủ tục đầu tư và việc thay thế danh mục bảo đảm không làm thay đổi kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW) theo ngành, lĩnh vực Quốc hội đã quyết nghị cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn nêu trên, Chính phủ đã rà soát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về 340 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công. Đồng thời, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ để thực hiện 42 dự án chuyển tiếp, khởi công mới thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP; 07 dự án mới chưa được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ, bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 2), Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, Nghị quyết số 29 đã quy định về nguyên tắc và thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, vì vậy, việc phân bổ, bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 2) cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 29 của Quốc hội.
Đồng thời, đề nghị lưu ý việc thay thế dự án trong danh mục phải là các dự án thực sự cần thiết, đã có đủ thủ tục đầu tư và bảo đảm không vượt tổng số dự án, kế hoạch đầu tư vốn NSTW theo ngành, lĩnh vực Quốc hội đã quyết nghị cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29; việc bố trí vốn cho các dự án thay thế, các dự án điều chỉnh bổ sung phải tập trung, tránh dàn trải, không bố trí cho các dự án mới có tỷ trọng vốn phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau quá lớn, bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 29;
Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA; Điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư vốn NSTW đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả dự án.
Thường trực Ủy ban kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ; Tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định và Điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, việc phân bổ chi tiết cho các dự án phải bảo đảm bố trí vốn tập trung, các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 phải được bố trí đủ vốn. Bên cạnh đó, về danh mục dự án cụ thể, Chính phủ cần rà soát danh mục dự án, bảo đảm bố trí vốn tập trung, không bố trí dàn trải; dự án điều chỉnh bổ sung có tỷ lệ phải chuyển nguồn sang giai đoạn sau lớn, tăng cao so với phương án đã báo cáo Quốc hội.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các danh mục, đảm bảo bố trí vốn tập trung, không dàn trải; tiến hành thay thế, điều chỉnh dự án nhưng không làm thay đổi mức vốn theo cơ cấu ngành, lĩnh vực được Quốc hội quyết định. Chính phủ, các bộ ngành trung ương, địa phương cần rút kinh nghiệm, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo kế hoạch sát với yêu cầu thực tế; đồng thời kế hoạch cần phối hợp chặt chẽ với nguồn lực dành cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án để chương trình sớm phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong xã hội.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ phải giải trình làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm, phân bổ chậm, đưa ra những báo cáo về công tác chuẩn bị đầu tư cho đến nay; chú trọng đến cách thức tổ chức thực hiện trong từng lĩnh vực, từng dự án; cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường công tác giám sát của Ủy ban Tài chính và Ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nguyên tắc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói chính sách tài khóa tiền tệ, nhất là đầu tư công cần được áp dụng ngay trong lần phân bổ này.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện danh mục mức vốn cho từng dự án. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án phân bổ chi tiết; tiếp tục rà soát, tổng hợp danh mục và phương án phân bổ vốn cho từng dự án theo nguyên tắc, tiêu chí; đảm bảo điều hòa nguồn vốn tập trung đầu tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899