Tp.HCM: Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính gần 3.300 tỷ đồng

20/12/2022, 07:48
báo nói -

TCDN - Qua kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021 tại Tp.HCM, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực IV đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thu ngân sách, chi đầu tư xây dựng cơ bản. KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 3.300 tỷ đồng.

Năm 2021, UBND Tp.HCM đã thực hiện lập, phân bổ và giao dự toán theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) Tp.HCM; dự toán chi NSĐP năm 2021 của Thành phố đã chú trọng tăng tỷ trọng chi đầu tư, bảo đảm chi trả nợ, chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh; tập trung bố trí cho những nhiệm vụ quan trọng; thực hiện sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo chủ trương của Chính phủ.

Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thu ngân sách của TP.HCM. Ảnh Internet

Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thu ngân sách của TP.HCM. Ảnh Internet

Về quản lý thu thuế, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chưa đảm bảo một số tiêu chí tại ứng dụng phần mềm phân tích thông tin rủi ro của người nộp thuế (TPR), Quyết định số 746/QĐ-TCT về Quy trình kiểm tra thuế.

Về quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, còn tình trạng các khu đất đang được các tổ chức sử dụng nhưng chưa được xác định nghĩa vụ tài chính do các sở ngành chưa xác định giá đất; các khu đất chưa có quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất hoặc hết hạn hợp đồng thuê đất đang tạm xác định nghĩa vụ tài chính theo bảng giá đất hàng năm.

Về tuân thủ Luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế, kết quả kiểm tra, đối chiếu 281 doanh nghiệp có: 239 doanh nghiệp sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế. KTNN xác định và kiến nghị tăng thu NSNN 276,5 tỷ đồng, giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 23,9 tỷ đồng, giảm số lỗ doanh nghiệp kê khai 556,6 tỷ đồng; 26 doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai thuế chưa đúng quy định. Ngoài ra, có 09 doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác đối chiếu thuế vi phạm quy định tại Điều 68 Luật KTNN, 02 doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Qua rà soát hồ sơ kê khai giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có 352 doanh nghiệp kê khai không đúng đối tượng được giảm theo quy định, số thuế TNDN phải nộp bổ sung 7,7 tỷ đồng. Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, trong công tác lập và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021-2025:

KHĐTCTH nguồn ngân sách Tp.HCM giai đoạn 2021-2025 xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ thông báo thấp hơn so với tổng kế hoạch vốn khoảng 176.730 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND TP nội dung “Bố trí vốn trung hạn bằng với giá trị vốn đã bố trí trong kế hoạch vốn (KHV) năm 2021 đối với các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng chưa bồi thường, chưa thi công, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa triển khai đầu tư xây dựng và chưa có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện”, theo đó, đã tạm dừng không tiếp tục bố trí vốn đối với 148 dự án đã giao KHV trong năm 2021 là những dự án đã có quyết định phê duyệt quyết định đầu tư, có khả năng dẫn tới nợ đọng XDCB.

Về trình tự, thủ tục lập và phân bổ KHĐTCTH, KHĐTCTH không thể hiện một số chỉ tiêu, không phân loại dự án theo thời gian thực hiện được quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công; chưa tổ chức và thực hiện thẩm định KHĐTCTH của sở, ban, ngành thuộc thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công mà chỉ tổ chức rà soát tham mưu cho UBND Thành phố.

Phân bổ vốn điều lệ cho một số Quỹ tài chính khi chưa xác định được tiêu chí để phân loại; chưa bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với dự án trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 973/NQ-UBTVQH ảnh hưởng đến việc chuẩn bị đầu tư dự án và triển khai thực hiện KHĐTCTH; phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đối với 05 dự án trọng điểm sử dụng vốn ODA, 04 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, và các dự án chuyển tiếp chưa bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công.

Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án trong hai giai đoạn đầu tư công, giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 chưa xác định và cân đối được nguồn vốn dẫn tới khi xây dựng KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 có 148 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án không cân đối được nguồn vốn nên đề xuất tạm dừng chưa tiếp tục triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Công tác lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công (KHĐTC) năm 2021 chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục lập và thẩm định KHĐTC, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn.

NSNN năm 2021 không đảm bảo theo quy định; giao KHV cho 93 dự án nhưng sau đó không cân đối được nguồn vốn phải tạm dừng thực hiện; phân bổ kế hoạch vốn cho 2.666 dự án trước khi có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện, chưa tuân thủ quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công và khoản 3 Nghị quyết số 81/NQ-HĐND của HĐND TP; bố trí kế hoạch vốn năm 2021 cho 1.307 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 có thời gian bố trí vốn quá thời gian quy định.

Việc quản lý, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công (KHVĐTC) năm 2021 qua kiểm toán cho thấy, tổng số vốn KHĐTC của TP đã giải ngân đạt tỷ lệ 62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước và thấp hơn tỷ lệ các chủ đầu tư đã đăng ký với UBND TP. Trong đó, 414 dự án được bố trí KHV 2.335 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân; 73 dự án tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30% KHV năm 2021 được giao, số vốn còn lại phải hủy bỏ 8.787 tỷ đồng; 532 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của TP, với giá trị KHV không được giải ngân 9.471 tỷ đồng.

Trong quản lý dự án đầu tư còn thực hiện chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Qua kiểm toán chi tiết các dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 134,6 tỷ đồng và kiến nghị khác 29,1 tỷ đồng.

Công tác thanh toán, tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng chưa kịp thời thu hồi số vốn đầu tư tạm ứng đã quá thời hạn thu hồi theo quy định; tổng số dư tạm ứng quá hạn đến 31/01/2022 của 173 dự án 1.754,2 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 3.294.575.491.248 đồng, gồm: Nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 361.056.628.140 đồng; thu hồi, giảm chi NSNN 2.376.900.564.015 đồng; giảm lỗ của doanh nghiệp 556.618.299.093 đồng; kiến nghị khác 1.737.587.627.559 đồng.

Hoàng Tâm
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính gần 3.300 tỷ đồng tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

KTNN phát hiện hàng loạt vấn đề tài chính của 43 doanh nghiệp tại Lai Châu
KTNN đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của 43 doanh nghiệp và 02 đơn vị dự toán tại Lai Châu cho thấy, các đơn vị chưa hạch toán, kê khai đủ doanh thu, chi phí và hạch toán một số khoản chi phí chưa đúng quy định; kê khai chưa đúng thuế GTGT đầu vào; kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra.
KTNN kiến nghị xử lý 72.837 tỷ đồng trong năm 2019
Tổng hợp kết quả xử lý tài chính trong năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng.
KTNN được quyền truy cập phần mềm dữ liệu đơn vị bị kiểm toán?
Trao thẩm quyền thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; giám định tư pháp; Tuy cập phần mềm dữ liệu đơn vị bị kiểm toán... cho Tổng Kiểm toán Nhà nước là một trong các nội dung được UBTV Quốc hội, phiên họp thứ 36 cho ý kiến vào sáng 12/8.