Tuần của dòng tiền nội trở lại ấn tượng

08/04/2023, 18:28
báo nói -

TCDN - Thị trường trong nước ghi nhận dòng tiền nội đã trở lại ấn tượng, còn khối ngoại quay ra bán ròng kể từ đầu tháng 4. Trong khi giới đầu tư kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ cứng rắn sang mềm mỏng.

Dòng tiền nội đã trở lại ấn tượng

Thị trường trong nước khép lại tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 4/5 tuần vừa qua. Thanh khoản toàn thị trường trong tuần vừa qua đạt mức cao nhất kể từ tuần giữa tháng 12/2022. Trong khi dòng tiền nội đã trở lại ấn tượng thì khối ngoại quay ra bán ròng kể từ đầu tháng 4.

Thị trường phục hồi vào cuối phiên. Trong đó, VN30F2304 tăng 0,20% lên mức 1075,1 điểm, hiện đang thấp hơn 3,78 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Trong khi đó, tổng thanh khoản thị trường phiên cuối tuần tăng 16,2% so với phiên liền trước, đạt 187 586 hợp đồng được khớp lệnh trong phiên.

Xu hướng kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Xu hướng kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 13.041 tỷ đồng là mức thấp nhất trong tuần này, tuy vậy thanh khoản bình quân cả tuần vẫn cao hơn 34,16% so với bình quân tuần trước.

Khối ngoại bán ròng 164 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu/chứng chỉ quỹ như: STB, KDH, KBC, VCB, FUEVFVND...Ở chiều ngược lại: SSI, DXG, DIG, PLX, NVL... là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Thị trường đã tăng 3 tuần liên tiếp và đà tăng đang chậm lại khi gặp vùng cản mạnh quanh ngưỡng 1082 điểm. Thanh khoản cao nhất hơn 4 tháng vừa qua cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn chiếm ưu thế.

Dòng tiền nội trở lại ấn tượng và đang chiếm ưu thế để cân lại sức bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư đang tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm với thông tin giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng 1 tháng quá như: bất động sản, chứng khoán....

Kỳ vọng Fed sẽ sớm thay đổi lập trường

Chứng khoán thế giới chững đà tăng trong tuần này ở một số thị trường lớn. Mấy tháng qua, giới đầu tư xem các dữ liệu kinh tế xấu là tin tốt, vì đó là cơ sở để họ nuôi dưỡng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ cứng rắn sang mềm mỏng.

Bởi trước đó, chứng khoán thế giới giao dịch ở trạng thái giằng co kể từ đầu tuần dù giới đầu tư đang đặt cược Fed không tăng lãi suất trong tháng tới. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm khi một loạt số liệu kinh tế yếu làm dấy lên lo ngại rằng việc Fed tăng lãi suất mạnh tay rốt cục có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ ngày càng tin rằng Fed sẽ hạ lãi suất sớm nhất là trong mùa hè năm nay để đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Mohamed El-Erian, Nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn tài chính Allianz, giảm lãi suất là hành động tồi tệ nhất mà Fed có thể thực hiện vào thời điểm này.

Phố Wall cũng không mấy tin tưởng rằng Fed có thể khống chế lạm phát mà không gây tổn hại cho tăng trưởng.

Phố Wall cũng không mấy tin tưởng rằng Fed có thể khống chế lạm phát mà không gây tổn hại cho tăng trưởng.

Ông El-Erian cho biết: “Điều tồi tệ nhất mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm lúc này là hạ lãi suất để đối phó với vấn đề tín dụng. Nếu Fed làm vậy thì nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ và bất ổn tài chính”.

Phố Wall cũng không mấy tin tưởng rằng Fed có thể khống chế lạm phát mà không gây tổn hại cho tăng trưởng. Theo ông El-Erian, nếu Fed giảm lãi suất thì lòng tin đó sẽ càng xuống thấp hơn nữa, và làm tăng rủi ro lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Và mặc dù ngành ngân hàng đã rơi vào hỗn loạn sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, việc hạ lãi suất để đối phó với căng thẳng trong hệ thống tài chính sẽ là sai lầm.

“Thị trường nghĩ Fed sẽ hạ lãi suất ngay trong tháng 6 không phải bởi họ tin rằng lạm phát lõi sẽ giảm đáng kể, mà là họ cho rằng Fed sẽ phải phản ứng với một điều gì đó khác ngoài khủng hoảng ngân hàng. Và tôi cho rằng đó sẽ là sai lầm”, ông El-Erian nhận định.

Lãi suất của Fed đang nằm trong phạm vi 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Giới chức Fed buộc phải tăng mạnh lãi suất trong năm ngoái để kìm hãm lạm phát sau khi đánh giá sai lầm rằng áp lực giá chỉ là “tạm thời” và khiến họ thắt chặt chính sách tiền tệ quá chậm trễ.

Đang có một mối nguy khác đang ẩn chứa phía trước

Theo ông Dave Burt, CEO của Công ty Nghiên cứu đầu tư DeltaTerra Capital đang có một mối nguy khác đang ẩn chứa phía trước. “Tôi luôn đề phòng những vấn đề lớn mang tính hệ thống này và có một số lý do để lo ngại. Nghiên cứu của DeltaTerra Capital cho thấy, 20% nhà ở tại Mỹ đang gặp “rủi ro đáng kể” do bị định giá sai vì vấn đề lũ lụt. Nếu rủi ro biến thành sự thật, hậu quả có thể giống với sự điều chỉnh bất thường đã thấy trong cuộc khủng hoảng năm 2008 - cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp ở Mỹ đe doạ phá huỷ hệ thống tài chính quốc tế". 

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Tuần của dòng tiền nội trở lại ấn tượng tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan