Thị trường nhiều tín hiệu tích cực nhưng lo nguy cơ bùng lạm phát lại xuất hiện

05/04/2023, 13:34
báo nói -

TCDN - Thị trường khởi động quý 2 với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ trong và ngoài nước, thanh khoản được cải thiện, dòng tiền lan tỏa tới nhiều nhóm ngành. Tuy nhiên, bối cảnh OPEC+ tự nguyện giảm sản lượng dầu có nguy cơ thổi bùng lạm phát, làm phức tạp thêm cuộc chiến của các ngân hàng trung ương như Fed.

Có thể rung lắc trong những phiên tới

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên 4/4, “nối gót” đà tăng mạnh trên Phố Wall nhờ thông tin về tình trạng giá cả gia tăng tại Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tiếp tục chậm lại.

Theo phân tích của Chứng khoán MB, thị trường trong nước giằng co trong biên độ hẹp suốt cả phiên. Thị trường chấm dứt chuỗi tăng giá 10 phiên liên tiếp. Dòng tiền có dấu hiệu chạy qua các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, tuy nhiên, áp lực chốt lời ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến thị trường kết phiên giảm điểm nhẹ.

Xu hướng kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Xu hướng kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Thanh khoản trên cả ba sàn đạt mức 15,484 tỷ với 942 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Khối ngoại bán ròng -268 tỷ đồng trên HOSE. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như: STB, VNM, SSI, VCI... Ngược lại: VPB, VIC, KBC... là những cổ phiếu được mua ròng.

Thị trường khởi động quý 2 với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ trong và ngoài nước, thanh khoản được cải thiện, dòng tiền lan tỏa tới nhiều nhóm ngành. Thị trường tiến tới vùng cản mạnh 1080 - 1090 điểm. Trong những phiên tới thị trường có thể sẽ rung lắc và tích lũy quanh vùng 1070 - 1080 điểm.

OPEC+ làm Fed thêm khó

Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Động thái này sẽ gây thêm áp lực cho cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương toàn cầu, nhưng lại bảo vệ chiến lược sản xuất của liên minh dầu mỏ trước sức ép chính trị.

Washington đã lên tiếng chỉ trích quyết định hạ sản lượng hồi cuối tuần trước của các nhà sản xuất OPEC+, bao gồm Arab Saudi và các đồng minh chủ chốt là Kuwait, UAE và Nga. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần chỉ trích OPEC+ vì việc giảm sản lượng, với lý do áp lực lạm phát sẽ phình to khi giá nhiên liệu tăng cao và Nga sẽ có thêm ngân sách để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.

Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.

Một số nhà phân tích hiện cảnh báo giá “vàng đen” có thể nhảy vọt lên mức 100 USD/thùng, trong khi Goldman Sachs cho rằng, giá dầu Brent có thể tăng thêm 5 USD lên 95 USD/thùng vào cuối năm 2023.

Nhà phân tích Victor Ponsford của Rystad Energy cảnh báo: “Giá dầu dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay do các đợt cắt giảm tự nguyện của OPEC+. Điều này có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương duy trì quan điểm cứng rắn hơn về lãi suất. Tuy nhiên, giá dầu quá cao cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và khiến nhu cầu đi xuống”.

Việc giảm sản lượng của OPEC+ dẫn đến lo ngại áp lực lạm phát sẽ phình to.

Việc giảm sản lượng của OPEC+ dẫn đến lo ngại áp lực lạm phát sẽ phình to.

Việc tự nguyện giảm sản lượng của OPEC+ sẽ bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến cuối năm nay. Arab Saudi, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, sẽ hạ sản lượng 500.000 thùng/ngày. Iraq sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày. UAE, Kuwait, Oman và Algeria tuyên bố sẽ cắt sản lượng lần lượt khoảng 144.000, 128.000, 40.000 và 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan cũng sẽ giảm khoảng 78.000 thùng/ngày.

Nga cũng cho biết sẽ gia hạn mức giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Nga đơn phương thông báo cắt giảm hồi tháng 2, sau khi phương Tây áp dụng trần giá. Động thái tự nguyện của các nước thành viên OPEC+ sẽ nâng tổng khối lượng dầu thô mà liên minh này sẽ cắt giảm lên 3,66 triệu thùng/ngày - tương đương3,7% tổng nhu cầu toàn cầu.

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Thị trường nhiều tín hiệu tích cực nhưng lo nguy cơ bùng lạm phát lại xuất hiện tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan