Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về sản xuất xi măng
TCDN - Việt Nam hiện nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga). Năm 2021 công suất sản lượng xi măng Việt Nam đạt 107 triệu tấn.
Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” diễn ra ngày 18/8 cho thấy, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đạt trên 30 triệu tấn/năm. Riêng năm 2021, xuất khẩu xi măng và các sản phẩm clinker khoảng 42 - 45 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2020; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,1 tỉ USD, là con số xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Công suất sản lượng của ngành xi măng đã tăng từ khoảng 4,4 triệu tấn năm những năm đầu đổi mới lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga).
TS.Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng ngành xi măng gặp 3 thách thức lớn về nguyên nhiên liệu, cân đối cung cầu và thách thức về môi trường. Hiện nay, các nhà máy có năng lực vượt công suất thiết kế nên nhu cầu đá vôi đất sét tăng nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường không chấp nhận điều này. Các thủ tục liên quan đến khai thác đá vôi rất khó khăn, cần giải quyết sớm. Cần khai thác âm nhưng thủ tục khó khăn. Ngoài thủ tục Nhà nước, còn vấn đề môi trường. Chúng ta đưa rác nhưng lấy được rác rất khó khăn, ách tắc.
Thách thức nguyên nhiên liệu. Hiện giá than nhập khẩu 210 -220 USD, than chiếm 50-60%, giá than tăng nhiều dây chuyền dừng và thiếu xi măng; giá than tăng nhà thầu xây dựng kêu khó. Giải pháp giảm lượng clinker trong xi măng, sử dụng thêm phế thải để thay thế.
Thách thức thứ hai là mất cân đối cung cầu. Tổng công suất thiết kế 107 triệu tấn, nhưng ứng dụng công nghệ công suất lên đến 123 triệu tấn; hiện đang đầu tư 29 triệu tấn, nâng lên tổng công suất gần 150 triệu tấn; trong khi tiêu thụ 57 - 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm. Mất cân đối cung cầu nhưng nếu bỏ quy hoạch xi măng, chỉ xét duyệt dự án đầu tư; Bộ Xây dựng không còn vai trò. Điều này, cần xem lại, nếu không có quy hoạch xi măng sẽ “nguy hiểm”, thị trường tiếp tục mất cân đối trầm trọng.
Thách thức thứ ba theo ông Cung là môi trường, đầu tư vào môi trường ngành xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nhưng gặp khó khăn về thủ tục. Giảm clinker trong xi măng sẽ giảm phát thải tốt nhất.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để phát triển đáp ứng yêu cầu mới, ngành xi măng Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cơ cấu ngành; đổi mới công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội thông qua tăng cường liên kết và hợp tác, góp phần tạo động lực cho các ngành Kinh tế khác cùng phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đáp ứng các chuẩn mực tiên tiến nhất của thế giới.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là lộ trình cổ phần hoá; thực hiện thoái vốn xhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu tài chính và đầu tư có hiệu quả; có phương án hợp lý để giải quyết vấn đề nhà đất sau cổ phần hoá để bảo toàn và phát triển tài sản, vốn Nhà nước giao.
“Tôi đánh giá cao việc Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, đổi mới mô hình tổ chức, theo đó: Công ty mẹ - VICEM giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ngành xi măng cần nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nghiên cứu sản xuất và cung cấp những dòng sản phẩm mới, tạo sự khác biệt vượt trội về chất lượng và giá bán cạnh tranh.
Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh một ngành công nghiệp xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng; sử dụng chất thải của các ngành Công nghiệp khác thay thế nguyên, nhiên liệu khai thác từ tự nhiên trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899