Vinachem lại kiến nghị đưa phân bón chịu thuế GTGT 5%

24/03/2022, 15:49

TCDN - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi theo hướng đưa phân bón chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5% nhằm giảm giá thành sản xuất.

Trong tham luận tại Hội nghị Trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, Vinachem cho hay, việc đưa phân bón chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5% nhằm giảm giá thành sản xuất phân bón và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với phân bón nhập khẩu. Đồng thời, giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón giảm giá thành sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Phân bón sản xuất trong nước được cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu trên thị trường thế giới và ngay trên sân nhà, để doanh nghiệp có thể ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Cđiều kiện giảm giá phân bón sản xuất trong nước hoặc bán với gía thấp hơn giá thế giới để bình ổn giá cho bà con nông dân, nhất khi giá thế giới tăng mạnh và mất cân đối cung cầu nhu thời gian vừa qua”, Vinachem phân tích.

vinachem

Cùng với đó, các doanh nghiệp phân bón có thể đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phân bón có chất lượng cao, phân bón thế hệ mới (vì phải tính thuế GTGT đầu tư vào giá trị tài sản tính khấu hao làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến tăng chi phí khấu hao và lãi vay) góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn cung nước và góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia.

Các doanh nghiệp huy động tối đa công suất, nâng hiệu quả SXKD, ổn định công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động và gia đình họ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng kiến nghị về thuế tài nguyên. Theo quy định hiện nay thì các sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên sẽ không được hoàn thuế GTGT đầu vào giống như sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản thô, chưa qua chế biến là không hợp lý, đặc biệt đối với sản xuất phân bón.

Theo Vinachem, trên thực tế sản xuất có rất nhiều sản phẩm phân bón chế biến từ nguyên liệu khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% đến 80% là những sản phẩm chế biến rất sâu, thậm chí đã đến sản phẩm hàng hóa cuối cùng cho người tiêu dùng như phân lân nung chảy là 80%, với phân đạm ure là 55%, với phân supe lân là 60%. Các sản phẩm trên, ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp trong nước, hiện còn dư công suất nên nhiều nhà máy đã phát huy hết công suất, một phần sản phẩm xuất khẩu để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập, việc làm cho người lao động, thu thêm ngoại tệ cho đất nước, giảm nhập siêu.

“Quy định hiện nay quy tất cả các sản phẩm trên vào đối tượng như xuất khẩu khoáng sản thô, là không được hoàn thuế GTGT đầu vào sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm đã qua chế biến sâu với sản phẩm cùng loại của thế giới và có thể không xuất khẩu được sản phẩm được nữa, dẫn tới giảm công suất các nhà máy, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động”, tham luận của Vinamchem nêu rõ.

Trước tình hình đó, Vinachem kính đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật về thuế tài nguyên với phân bón.

Liên quan đến việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5%.

Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội đưa mặt hàng này vào chịu thuế với mức thuế suất là 5%. Tuy nhiên đến nay Chính phủ, Quốc hội chưa thông qua nội dung này.

Vinachem thoát lỗ

Năm 2021 doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 51.000 tỷ đồng (mức cao nhất từ trước đến nay), lãi cộng hợp đạt mức trên 1.729 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 2.119 tỷ đồng), cung ứng 3,5 triệu tấn phân bón các loại không để thiếu phân bón theo yêu cầu, trên 29 triệu m3 ôxy cùng hàng ngàn tấn chất diệt khuẩn, hóa chất thuốc sát trùng phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đủ việc làm cho 2 vạn người lao động với mức thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng người tháng.

Tập đoàn xây dựng kế hoạch năm 2022 với hầu hết các chỉ tiêu đều ở mức cao hơn năm trước như: Doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 51.200 tỷ đồng, SXKD tiếp tục có lãi, cung ứng trên 3,5 triệu tấn phân bón, đảm bảo đủ việc làm cho 2 vạn người lao động với mức thu nhập bình quân trên 13 triệu đồng người tháng.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Vinachem lại kiến nghị đưa phân bón chịu thuế GTGT 5% tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đề xuất để mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5%
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần đề xuất sửa đổi Luật số 71 của Quốc hội, trong đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) chịu mức 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước.