Ác mộng của ngân hàng Goldman Sachs khi hợp tác với Apple

03/12/2023, 19:16
báo nói -

TCDN - Việc chia tay với tập đoàn công nghệ Apple chấm dứt một cách hiệu quả kế hoạch lớn một thời của ngân hàng Goldman Sachs nhằm trở thành ngân hàng đại chúng.

Ở một địa điểm ở ngoại ô New York vào tháng trước, trong bữa tối kéo dài khoảng 3 giờ, David Solomon, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, nói với các đối tác rằng ngân hàng đã mắc một số sai lầm trong mảng cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, ông nói, công việc kinh doanh không tệ như mọi người nghĩ và mọi người đang không hiểu chi tiết. Solomon nói với họ rằng ông sẽ không tha thứ cho những người nói xấu về quyết định tham gia vào mảng cho vay tiêu dùng của Goldman.

Từ lâu, ngân hàng Goldman Sachs đã biết hoạt động cho vay tiêu dùng không thực sự hiệu quả và ngân hàng đang tìm lối thoát. Nhưng Apple đã che đậy tất cả. "Táo khuyết" đã gửi một đề xuất tới Goldman nhằm chấm dứt quan hệ đối tác thẻ tín dụng.

Việc chia tay với Apple sẽ chấm dứt một cách hiệu quả kế hoạch lớn một thời của ngân hàng Goldman Sachs nhằm trở thành ngân hàng đại chúng - một thử nghiệm bắt đầu khoảng một thập kỷ trước như một cách để xây dựng một mô hình khác biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng cái cũ và cái mới không bao giờ hòa hợp với nhau. Những nhân viên kỹ thuật từ Thung lũng Silicon phàn nàn về một văn hóa doanh nghiệp ngột ngạt. Các giám đốc điều hành trong lĩnh vực ngân hàng thương mại và đầu tư, những mảng kinh doanh hàng đầu của ngân hàng Goldman Sachs, phê phán nỗ lực không hiệu quả với mảng tiêu dùng.

Vào mùa thu năm 2021, ngân hàng Goldman Sachs tiến hành kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tiêu dùng. Họ đang trong quá trình thực hiện một thương vụ mua lại lớn và đang tìm các đối tác thẻ tín dụng mới. Solomon nói với các nhà đầu tư rằng nếu Goldman định tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng, họ cần phải phát triển lớn mạnh.

Goldman Sachs

Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định ngay cả Solomon cũng bắt đầu nghĩ rằng hoạt động kinh doanh đang đè nặng lên ngân hàng Goldman Sachs. Cổ phiếu Golman Sachs lúc đó ở mức khoảng 400 USD, gần mức cao kỷ lục, nhưng các cổ đông đã bày tỏ sự hoài nghi với Goldman về kế hoạch tiêu dùng của họ. Solomon nói với các đồng nghiệp rằng ông nghĩ cổ phiếu có thể tăng cao hơn nhiều nếu Goldman có được một nhà đầu tư bên ngoài cho lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng.

Theo những người am hiểu nội tình, Goldman Sachs bắt đầu nói chuyện với một công ty cổ phần tư nhân, Silver Lake, để xem liệu doanh nghiệp này có thể biến hoạt động kinh doanh tiêu dùng thành một liên doanh hay không. Họ gọi kế hoạch này là Dự án Maryland, chữ "M" ám chỉ Marcus, tên của thương hiệu tiêu dùng của họ. Goldman đặt tên mã là "Georgia" và Silver Lake là "South Carolina". Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ sau khi hai bên không thể thống nhất mức độ kiểm soát của mỗi bên đối với liên doanh mới.

Rất nhiều lý do khiến giới lãnh đạo hàng đầu của ngân hàng Goldman Sachs gặp khó khăn.

Goldman Sachs đã đồng ý mua GreenSky vào năm 2021 với mức giá quá cao. Đây là một công ty cho vay cung cấp các khoản vay cải thiện nhà ở. Một số giám đốc điều hành đã nói với Solomon rằng GreenSky sẽ không phù hợp.

Solomon cũng đã thúc đẩy Goldman mở rộng sang tài khoản séc. Theo các nguồn tin, sau khi các giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành tiêu dùng khuyên ông đừng làm vậy và nói rằng ngân hàng nên tập trung vào một số ít sản phẩm, Solomon nói với họ rằng họ không có tầm nhìn.

Thẻ tín dụng Apple đã ra mắt vào năm 2019 với sự phô trương rầm rộ, hứa hẹn phần thưởng bằng tiền mặt. Nhưng, sự hợp tác đã gặp những rắc rối ngay từ đầu.

Goldman rất muốn có thỏa thuận ấy và điều đó có nghĩa là phải chấp nhận một số điều khoản bất thường từ Apple. Ví dụ: Goldman đã đồng ý không tính phí trả chậm hoặc bán dữ liệu khách hàng, tức là họ đánh đổi hai nguồn thu nhập khổng lồ.

Khi Apple công bố thẻ tín dụng vào năm 2019, họ đã làm điều đó một cách gây ấn tượng mạnh. "Được thiết kế bởi Apple, không phải ngân hàng", quảng cáo của công ty ghi rõ.

Các đối tác của Goldman phàn nàn rằng công ty đang ném tiền qua cửa sổ. Không lâu sau đó, đây không phải là vấn đề duy nhất của mối hợp tác.

Vào năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang nhận thấy có vấn đề trong hoạt động kinh doanh tiêu dùng của ngân hàng. Cơ quan này lo ngại rằng Goldman không có hệ thống giám sát và kiểm soát phù hợp.

Cùng năm đó, Goldman tiết lộ rằng Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng đang điều tra các hoạt động liên quan đến thẻ tín dụng của họ, bao gồm cả cách ngân hàng giải quyết các tranh chấp về thanh toán và hoàn tiền cho chủ thẻ. Những cuộc thăm dò đó vẫn tiếp tục.

Nhân viên trong ngành kinh doanh tiêu dùng đã thất vọng. Theo những người am hiểu nội tình, họ đã yêu cầu ngân hàng đầu tư nhiều tiền hơn vào hoạt động giải quyết khiếu nại của khách hàng, ít nhất từ năm 2019.

Tùng Lâm/CNBC
Bạn đang đọc bài viết Ác mộng của ngân hàng Goldman Sachs khi hợp tác với Apple tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan