Bác sĩ thẩm mỹ Annie Nguyễn: Phụ nữ muốn đẹp thì đừng giống nhau
TCDN - Ngoài việc là “chuyên gia” sửa các ca phẫu thuật thẩm mỹ lỗi, bác sĩ Annie Nguyễn (Nguyễn Thị Kim Tuyết) còn nổi tiếng với chuyện “đuổi khách”. Bởi nếu có yêu cầu chỉnh sửa nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng hoặc không cần thiết, chị nhất quyết không làm.
Thưa chị, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ?
Năm 2002, tôi theo học ngành y khoa tại Đại học Sydney Hospital (Úc). Sau khi tốt nghiệp năm 2009, tôi tiếp tục học lên bậc thạc sĩ chuyên khoa nội tim mạch. Trong quá trình thực tập, tôi được theo các bác sĩ đàn anh thực hiện những ca phẫu thuật thẩm mỹ. Từ đó tôi mê luôn.
Được chứng kiến cuộc đời nhiều người thay đổi gần như hoàn toàn sau phẫu thuật, tôi nhận ra tác dụng kỳ diệu của phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ sau vài ngày được thay đổi diện mạo, khách hàng trở nên tự tin và yêu đời hơn, sức khỏe của họ cũng tăng lên. Chẳng hạn, khi người có nhiều mỡ thì dễ bị các bệnh gout, tiểu đường hay gan nhiễm mỡ. Sau khi giảm mỡ, khách hàng vui hơn vì lấy lại được vóc dáng mơ ước, nguy cơ mắc các bệnh kia cũng giảm đi đáng kể.
Bởi thế nên tôi chuyên tâm theo học chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ và tập trung kĩ thuật xử lý mỡ. Khi về Việt Nam năm 2011, tôi tiếp tục theo các bác sĩ đàn anh để nâng cao tay nghề, cũng để học cách xử lý thích hợp với cơ địa người Việt mình. Năm 2019, tôi mở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ của riêng mình tại TP.HCM - Annie.
Giảm mỡ bằng phẫu thuật thẩm mỹ và tự tập luyện, chị đánh giá cách làm nào hiệu quả hơn?
Khách quan mà nói, cái nào hiệu quả hơn còn tùy vào nhu cầu mỗi người.
Mỗi khi tư vấn, nếu thấy khách còn phân vân giữa hai giải pháp này, tôi luôn khuyên khách hàng nên ăn uống điều độ và tập luyện chăm chỉ trước. Nhưng thẳng thắn mà nói, nếu chúng ta cố gắng kiêng khem và tập luyện đều đặn trong 1-2 năm, kết quả đạt 70-80% mục tiêu đã là thành công rồi. Mà trong cuộc sống hiện đại, không nhiều người có thời gian tập luyện và đủ kiên nhẫn duy trì thói quen này.
Thực tế, phòng khám Annie thường xuyên đón những khách hàng chọn cách tập luyện để giảm mỡ, nhưng càng tập thì càng béo ra. Lúc trở lại gặp tôi, họ bảo phải chi phẫu thuật sớm là được đẹp sớm rồi (cười). Hơn nữa, chi phí thuê PT (huấn luyện viên cá nhân) còn cao hơn chi phí phẫu thuật.
Một đối tượng khác khó trông chờ vào tập luyện, mà cần phẫu thuật thẩm mỹ can thiệp để lấy lại vóc dáng là phụ nữ sau sinh. Hầu hết phụ nữ đều bị giãn và rạn da bụng sau khi sinh con. Dù có tập luyện đến đâu cũng không phục hồi được. Đến nay vẫn chưa có bất cứ loại dược phẩm nào giúp điều trị dứt điểm vấn đề rạn da. Tuy nhiên, phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp hút mỡ và cắt bỏ phần da thừa xấu xí đó.
Vậy nhu cầu hút mỡ nói riêng và phẫu thuật thẩm mỹ nói chung hiện nay đang thay đổi ra sao?
Do phòng khám Annie chuyên về hút mỡ nên khách chủ yếu đến cũng vì nhu cầu này. Chúng tôi cũng đầu tư máy hút mỡ hiện đại nhất hiện nay là Ultra-Z. Thời điểm trước dịch, tôi và ê kíp bác sĩ của Annie xử lý mỗi ngày khoảng 7 ca hút mỡ.
Sau khi đại dịch Covid-19 qua đi vào đầu năm 2022, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tăng lên đột biến. Với tâm lý phổ biến “không biết ngày mai ra sao”, nhiều người mạnh tay chi tiền làm đẹp cho bản thân. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2022, kinh tế khó khăn làm nhu cầu giảm đột ngột. Nhiều khách hàng cho rằng tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài đến năm 2023 nên ưu tiên tiết kiệm.
Dù vậy, người có nhiều tiền ở Việt Nam không ít nên họ vẫn “lai rai” đi làm đẹp trong lúc này. Lượng khách Việt kiều đến phòng khám chúng tôi cũng khá đông, do chi phí thấp hơn nhiều so với nước ngoài.
Nhìn chung, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người đã xem làm đẹp như một nhu cầu, họ không còn ngại ngùng vì chuyện đi thẩm mỹ viện nữa. Những người kiếm tiền nhờ ngoại hình (người mẫu, ca sĩ, MC…) là nhóm đến viện thẩm mỹ nhiều nhất. Phụ nữ trung niên thì muốn mình trẻ lại, đàn ông cũng muốn níu kéo phong độ thời trai trẻ. Đôi khi, người ta sẵn sàng “đập đi xây lại” khuôn mặt vì nghe theo lời phán của thầy phong thủy. Nhiều phụ nữ muốn giữ hạnh phúc gia đình cũng mạnh dạn đi nâng cấp nhan sắc bản thân.
Trải qua gần 20 năm gắn bó với nghiệp thẩm mỹ, chị định nghĩa thế nào về cái đẹp?
Dù là tự nhiên hay nhờ phẫu thuật can thiệp, nét đẹp nào cũng nên được đánh giá dựa trên sự hài hòa với gương mặt hoặc vóc dáng cơ thể của riêng mỗi người. Với phẫu thuật thẩm mỹ, giải pháp làm đẹp đó phải đảm bảo tiêu chí an toàn nữa.
Thật ra, tôi luôn dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng để giải thích cho khách hiểu nên chỉnh sửa chỗ nào cho đẹp. Khoảng 90% khách nghe theo tư vấn, còn lại họ vẫn muốn làm theo ý họ. Nguyên tắc “bất di bất dịch” của tôi khi tư vấn cho khách hàng luôn là “đẹp đủ”. Dù có không ít khách muốn “sửa” cùng lúc nhiều chỗ, nhưng tôi vẫn khuyên họ chỉ nên thay đổi chỗ nào cần thiết thôi.
Ngoài ra, những ca nào có thể gây nguy hiểm cho khách thì tôi từ chối làm. Chẳng hạn, khách muốn nâng mũi cao để “nhìn cho Tây” mà da mũi không đủ thì tôi nhất quyết không làm. Nếu cố làm, sớm muộn gì mũi họ cũng bị biến dạng hoặc hoại tử. Bởi vậy mà có nhiều khách trách tôi sao hay từ chối khách hàng quá (cười).
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang xem thẩm mỹ như trang sức. Họ thay đổi liên tục thậm chí chỉ để “bắt trend”. Chị nghĩ gì về hiện tượng này?
Hiện nay có không ít bạn trẻ thay đổi cơ thể chỉ vì chạy theo xu hướng. Hôm nay họ thích kiểu “mắt mèo”, tháng sau lại phẫu thuật đổi thành “mắt phượng”…
Việc phẫu thuật nhiều lần có thể giúp các bạn trẻ thỏa mãn nhu cầu riêng tại thời điểm đó, nhưng về lâu dài, hậu quả sẽ rất lớn. Da cơ thể người cần khoảng 2 năm để lão hóa và chùng lại, lúc đó mới có da để mà cắt tiếp. Nếu các lần phẫu thuật quá gần hoặc làm nhiều lần, cơ thể sẽ bị thiếu da dẫn đến căng da. Hậu quả dễ thấy nhất là mũi bị đỏ hoặc bị lồi sụn (nếu nâng mũi nhiều lần), hoặc mắt khó nhắm (nếu cắt mí nhiều lần).
Vì vậy, tôi cho rằng, một người được xem là đẹp khi họ là phiên bản của chính họ, chứ đừng mượn sắc vóc người khác đắp lên người mình.
Những năm gần đây, trường hợp gặp biến cố khi đi phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng nhiều, thậm chí tử vong. Chị có lời khuyên gì giúp những người muốn làm đẹp tìm kiếm được vẻ đẹp an toàn?
Các cơ sở làm đẹp có 3 loại: spa (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu…), cơ sở phun xăm thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Chỉ có các phòng khám chuyên khoa, bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa mới được phẫu thuật. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kĩ xem mình đến đúng nơi chưa. Thông tin có thể tìm trên internet hoặc trang web của Bộ Y tế.
Các biến cố khi thẩm mỹ vừa qua, ngoài nguyên nhân từ các cơ sở làm đẹp “đội lốt” viện thẩm mỹ, còn đến từ việc bệnh nhân không khai báo đủ bệnh nền hoặc do các bác sĩ thiếu đạo đức nghề nghiệp mà ra. Bác sĩ thẩm mỹ giỏi ở Sài Gòn rất nhiều. Nhưng số bác sĩ dám từ chối tiền của khách để làm đúng y đức, theo tôi không nhiều lắm.
Xin cảm ơn chị!
email: [email protected], hotline: 086 508 6899