Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2024, tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả

01/01/2024, 10:07
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2024 Bộ Tài chính sẽ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Nhân dịp năm mới 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có chia sẻ với báo chí về công tác điều hành tài chính ngân sách nhà nước của ngành Tài chính trong năm 2023 và định hướng năm 2024.

Xin Bộ trưởng chia sẻ về những dấu ấn đặc biệt trong công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước của ngành Tài chính trong năm qua?

Năm 2023, trong bối cảnh nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính đã quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả. Hàng loạt chính sách miễn giảm, giãn hoãn thuế phí đã được kịp thời ban hành với quy mô lên đến khoảng 200 nghìn tỷ đồng song đến thời điểm chiều 28/12, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt 1.708 nghìn tỷ đồng, vượt 5,4% so dự toán. Ngành Tài chính sẽ phấn đấu hết năm 2023 vượt thu 6% so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, tôi cho rằng đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực của các biện pháp cải cách nguồn thu và hiệu quả của các chính sách tài khóa đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Nhờ thu NSNN tích cực, chúng ta đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, lạm phát trong phạm vi kiểm soát (3,5%), thấp hơn mục tiêu đề ra; đảm bảo được nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt bố trí được nguồn lực rất lớn cho đầu tư công, xây dựng đường cao tốc và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên khắp cả nước.

Trong năm 2023 chúng ta bố trí hơn 760 nghìn tỷ đồng, bằng 35% tổng chi NSNN cho đầu tư công, gấp 1,5 lần so với năm 2022 (chưa kể phần vượt thu ngân sách năm 2022).

Đồng thời, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách các cấp.

Đặc biệt, lũy kế hết năm 2023, NSNN đã tích lũy trên 500 nghìn tỷ đồng, đảm bảo đủ nguồn đến hết năm 2026 để tăng lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Việc này vô cùng ý nghĩa do 3 năm qua do tác động của dịch Covid, kinh tế tài chính ngân sách còn khó khăn lại phải dồn sức cho phòng chống dịch nên chưa thực hiện cải cách tiền lương được, vì vậy đời sống một bộ phận cán bộ công chức gặp khó khăn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để năm 2024 chúng ta tiếp tục thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thành công trong kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua. Bội chi NSNN năm 2023 dưới 4% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 4,42% Quốc hội cho phép, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt coi trọng và đánh giá cao công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế. Có thể nói nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính là khá nặng nề, thường chiếm khoảng 1/4 khối lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 Luật, 5 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 19 Nghị định và đang xem xét ban hành thêm 15 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định, xem xét ban hành 02 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 64 Thông tư với chất lượng soạn thảo kỹ, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024. Điều này cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.

Về chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin lớn, cốt lõi, bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.

Cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường, liên tục cải tiến đổi mới công tác quản lý thu NSNN bám sát thực tiễn, áp dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Tiến tới trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế nghiên cứu và đưa ra các giải pháp đột phá trong quản lý nguồn thu thuế trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng cá nhân như facebook, tiktok… Đồng thời tiếp tục nghiên cứu khai thác triệt để cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử nhằm hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi… đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.

Cũng trong năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế sâu sắc, toàn diện trong lĩnh vực tài chính với nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác tài chính tại Luxembourg, Vương quốc Bỉ; tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC… Tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tại Los Angeles, New York, San Francisco để nối thông các dòng vốn giá rẻ, lãi suất thấp từ nước ngoài, liên kết với các quỹ tài chính đầu tư, tổ chức quốc tế để đưa nguồn vốn vào Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội tiếp tục được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như việc huy động nguồn tài trợ xây dựng trường học, nhà cho người nghèo, ủng hộ các quỹ khuyến học tại Bình Định, Bắc Kạn và Điện Biên…

Đến nay, có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và nhờ sự nỗ lực, tận tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Tài chính đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 đặt ra, góp phần vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Thưa Bộ trưởng, quản lý nợ công của Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao khi cho rằng, nợ công của Việt Nam bền vững và có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này?

Như tôi chia sẻ ở trên, kết quả quản lý nợ công trong những năm qua là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khoá nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung.

Trong thời gian qua, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP, trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam còn thấp hơn 1 bậc so với mức tín nhiệm BBB.

Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ dự kiến năm 2023 khoảng 12,4-12,5 năm, đảm bảo mục tiêu từ 9-11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Lãi suất phát hành bình quân cả danh mục trái phiếu chính phủ dự kiến năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 điểm phần trăm so với mức năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn duy trì xu hướng tăng.

Nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu.

Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả củng cố tài khoá và kiểm soát nợ công.

thu-ngan-sach

Tôi cho rằng, với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất.

Để đạt được kết quả như trên, chúng tôi đã bám sát chủ trương, đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước về vấn đề nợ công. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm, quyết định các chỉ tiêu giới hạn an toàn nợ và các giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu này.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý nợ công. Trong đó, Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã hoàn thiện thêm một bước cơ bản khuôn khổ thể chế và chính sách quản lý nợ công như thống nhất đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công, bổ sung các công cụ quản lý nợ công chủ động như hạn mức cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ hàng năm, Chương trình quản lý nợ 3 năm và Kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, bổ sung quy định ngưỡng cảnh báo nợ công theo thông lệ quốc tế bên cạnh khái niệm trần nợ công.

Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc vay, trả nợ công, Bộ Tài chính đã phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan (như Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư…), sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công như Nghị định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay công và cơ cấu lại nợ công. Bộ Tài chính đã linh hoạt, chủ động triển khai việc huy động vốn theo yêu cầu tiến độ giải ngân đầu tư công, theo hướng tăng các nguồn vay trong nước với lãi suất thấp, ưu đãi, thời gian vay dài, sử dụng vượt thu ngân sách để trả nợ gốc, giảm áp lực nợ công. Việc vay mới chỉ triển khai sau khi đánh giá kỹ tác động đến an toàn nợ công, chỉ sử dụng cho các công trình có hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả xã hội cao, chỉ vay trong khả năng trả nợ.

Để quản lý nợ công theo hướng bền vững, chúng tôi cũng tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nợ công, công khai thông tin nợ công. Cùng với đó, Bộ Tài chính còn tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá nhà đầu tư, triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần giảm chi phí huy động vốn vay của Chính phủ theo lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.

Dự báo năm 2024 tới đây sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với kinh tế xã hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu gì cho Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính- NSNN?

Dự báo năm 2024 sẽ là năm có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, Trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp.

Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Chúng tôi tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới….

Thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia ,… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn. Đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Ngoài ra, chú trọng đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời với đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.

Trước mắt trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2024, tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt gỡ khó cho doanh nghiệp
Trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã đề xuất, tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.