Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề nuôi nghêu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
TCDN - Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở Việt Nam (SCBV)”, VCCI phối hợp với các bên liên quan tổ chức Chương trình học tập kinh nghiệm phát triển vùng nuôi nghêu và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại Xã Giao An, Huyện Giao Thủy, Tỉnh Nam Định từ ngày 01-03/11/2022.
Ông Trần Văn Tùng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao An cho biết, nghề nuôi nghêu ở Giao Thủy - Nam Định bắt đầu hình thành từ năm 1992 và phát triển trải qua nhiều giai đoạn.
Đến năm 2004 có bước phát triển mạnh, thu nhập tăng nhanh, trung bình mỗi năm đạt sản lượng 23- 25 ngàn tấn/ha, riêng năm 2015 sản lượng đạt trên 28 ngàn tấn và có nhiều hộ đạt trên 40 tấn/ha như hộ ông Lê Văn Hưng ở Giao An, ông Thực, ông Cửu. Sản phẩm nghêu Giao Thủy hiện đã có mặt không chỉ ở thị trường trong nước, tại các hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn... mà còn vươn ra các thị trường nước ngoài như thị trường Trung Quốc, thị trường EU thông qua các nhà máy chế biến xuất khẩu phía nam.
Đánh giá việc nuôi trồng và kinh doanh sản phẩm nghêu hiện nay, ông Lê Văn Hưng, Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản Đức Trường (Nam Định) cho biết, chất lượng sản phẩm nghêu của nước ta hiện nay thua kém so với các nước khác, sản phẩm nghèo nàn, chưa có sản phẩm có giá trị gia tăng nên cần triển khai nghiên cứu và tiếp cận công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra khả năng truy xuất nguồn gốc rất kém nên cần xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc ở nơi nào có lợi thế nhất và qua mô hình đó nhân rộng ra các nơi khác.
Bên cạnh đó, thông tin về thị trường trong và ngoài nước còn yếu kém, các địa phương cần cung cấp thông tin nhiều hơn về chính sách, hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại đến với doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh thị trường nước ngoài thì thị trường trong nước cũng là thị trường rất tiềm năng mà chúng ta chưa đáp ứng được.
Theo ông Hưng, sự liên kết giữa các đơn vị rất yếu nên cần phải thành lập các nhóm PPA để có thể phát huy những lợi thế, giải quyết được những thách thức đồng thời cũng đặt ra kế hoạch hành động tích cực như tăng cường mở rộng thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở đạt được chứng chỉ MSC, đặt ra vấn đề cam kết tiêu dùng và thu mua nguyên liệu sản phẩm thô giữa các nhà cung cấp và nhà tiêu thụ.
Trên cơ sở đó, ông Hưng đề xuất dự án SCBV phối hợp với Tổng cục thủy sản và các sở ban ngành cung cấp lắp một hệ thống cảnh báo môi trường tự động. Nếu vùng nuôi nghêu có thể xin cấp được chứng chỉ đạt chuẩn về môi trường sẽ có lợi thế lớn.
Chia sẻ về các kĩ thuật lấy nước và ươm nghêu giống ông Lê Văn Dương – Cán bộ phụ trách ươm nghêu giống của Cơ sở Đức Trường cho hay, sau khi lấy nước từ 12-15 ngày, sử dụng kính lúp để soi, nếu đạt độ mặn 15-17 phần nghìn thì đưa nghêu giống ra đầm, hạn chế lấy nước ngoài vào để tránh tác động từ bên ngoài đến sự phát triển của con nghêu. Nếu lấy nước nhiều quá thì đáy đầm bị nát con nghêu không phát triển được, yếu tố cần nhất là môi trường và mật độ. Nếu nước trong quá thì thêm nước vào, khi lượng phù sa nhiều thì rút cạn nước rồi tạo mưa để làm lắng bớt phù sa lấy chỗ cho con nghêu phát triển. Không có yếu tố tác động từ con người, con nghêu phát triển hoàn toàn tự nhiên như ở ngoài môi trường, thức ăn của con nghêu cũng hoàn toàn từ môi trường tự nhiên khi lấy nước vào đầm.
Dự án SCBV do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2018 – 2023 và dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và thuỷ sản giai đoạn 2018 – 2023” do NSNN tài trợ, được triển khai dưới sự phối hợp giữa Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899