Phát triển chuỗi giá trị nghêu tại Tiền Giang

08/06/2022, 15:28

TCDN - Để phát triển chuỗi giá trị nghêu, các sở, ngành và địa phương tại Tiền Giang đã tập trung vào vùng nuôi nghêu ven biển, hoàn thiện thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông, đồng thời, tiếp nhận dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở Việt Nam (SCBV).

ttxvn_2609ngheu1

Biển Gò Công với hệ sinh thái rừng ngập mặn là môi trường lý tưởng để loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sinh sôi, phát triển mạnh. Diện tích nuôi nghêu của tỉnh hiện nay đạt 2.300 ha, diện tích nuôi tôm đạt gần 4.000 ha, hàng năm thu hoạch khoảng 16.000 tấn tôm, 15.000 - 17.000 tấn nghêu chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nguồn sò huyết, nghêu giống sinh sản tại các cồn bãi trên biển Gò Công là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương và được ví như "vàng trắng".

Theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, nguồn giống tự nhiên sinh sản tại khu vực bãi bồi ở biển Gò Công chủ yếu là nghêu cám và sò giống, mật độ trung bình 15 - 20 con/dm2 (có nơi 100 - 150 con/dm2). Hai khu vực tập trung nghêu, sò huyết sinh sản là cồn ông Mão, ông Liễu (huyện Gò Công Đông) và cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông). Được biết, sò huyết Gò Công được các thương lái đánh giá là giống tốt nhất trong toàn quốc, vì tỷ lệ sống cao (80%) cũng như sò thịt nổi tiếng về chất lượng thịt, hình dáng đẹp,...

Ở huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang), anh Trần Ngọc Chí (Hai Trí), Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Phú Tân cho biết, hiện hợp tác xã đang quản lý 500 ha đất bãi bồi ở khu vực cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) với 1.050 xã viên là người dân ở địa phương tham gia. Theo số liệu thống kê, số lượng sò huyết giống được Hợp tác xã thủy sản Phú Tân khai thác trong đợt 1 của những tháng đầu năm đến nay là hơn 3,2 tấn với giá dao động từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/kg.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, thời gian tới, huyện duy trì diện tích thủy sản thả giống trên 7.000 ha, chú trọng khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại khu vực Cồn Ngang, nuôi thủy sản nước ngọt 250 ha.

Tại huyện Gò Công Đông, địa phương duy trì và phát triển vùng nuôi nghêu trên địa bàn huyện có diện tích 2.200 ha, tập trung tại xã Tân Thành, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt khoảng 20.000 tấn. Nghêu Gò Công có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Huyện đang phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh xây dựng tiêu chuẩn MSC cho vùng nuôi nghêu Gò Công, hướng đến việc xuất khẩu nghêu sang thị trường các nước phát triển như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Một trong những nông dân dựng nên cơ nghiệp từ nghề nuôi nghêu thương phẩm là ông Trần Văn Chỉ, cư ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành. Gia đình ông bắt đầu nuôi nghêu vào năm 1989, đến nay đã gần 30 năm. Ban đầu ông nuôi với diện tích nhỏ, nhờ những thành công về giá trị kinh tế mang lại, ông bắt đầu nhân ra diện rộng. Hiện ông Chỉ sở hữu 6 ha nghêu nuôi, trung bình mỗi năm, ông thu lãi trên nửa tỷ đồng từ con nghêu nuôi ven biển Tân Thành, trở thành một trong những tỷ phú của vùng nuôi Tân Thành.

Khu trưng bày và giới thiệu mặt hàng Nghêu tại Hội chợ Thủy sản Toàn cầu 2022

Khu trưng bày và giới thiệu mặt hàng Nghêu tại Hội chợ Thủy sản Toàn cầu 2022

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2018 – 2023 và dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và thuỷ sản giai đoạn 2018 – 2023” do NSNN tài trợ, được triển khai dưới sự phối hợp giữa Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC).

Ngoài tập trung vào vùng nuôi nghêu ven biển, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện hoàn thiện các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông. Đồng thời, tiếp nhận Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở Việt Nam (SCBV)” do Liên minh châu Âu tài trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất; trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công-tư để quản trị chuỗi giá trị tốt.

Tham gia Dự án SCBV, doanh nghiệp và người sản xuất nhỏ được tập huấn, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đặc biệt, các chuyên gia của Dự án còn hỗ trợ người sản xuất “quy trình làm sạch nghêu” giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho bà con nuôi nghêu.

Ông Phan Văn Sính, người nuôi nghêu tại Gò Công, Tiền Giang cho rằng người dân rất vui mừng và tham gia tích cực trong phát triển chuỗi giá trị nghêu và đưa sản phẩm nghêu đạt chứng nhận MSC. Trong thời gian qua, người dân đã được tập huấn, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để nắm rõ các quy trình thực hiện để đạt chứng nhận MSC cho con nghêu. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, do người dân hạn chế về năng lực, do tập quán sản xuất nên vấn đề ghi chép sổ sách, nhật ký vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như phát triển của nghêu.

Ông Sính đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu xảy ra, có những cảnh báo về môi trường để người dân nắm rõ để điều tiết sản xuất, thời gian thả giống. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

La Ngà
Bạn đang đọc bài viết Phát triển chuỗi giá trị nghêu tại Tiền Giang tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nâng cao kiến thức về Chứng nhận bền vững MSC cho người sản xuất nghêu
Trong khuôn khổ Dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam – SCBV, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) vừa tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kiến thức cho người sản xuất nghêu về những quy định của Chứng nhận bền vững MSC/ASC.
Giải pháp sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam
Sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm… là giải pháp căn cơ nhất để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành nhuyễn thể nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.