Chiến lược thôn tính thay vì cạnh tranh của mạng xã hội Facebook

18/12/2020, 20:38

TCDN - Bằng cách mua những đối thủ cạnh tranh tiềm năng như Instagram và WhatsApp, mạng xã hội Facebook tận dụng thế độc quyền để xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Vài hôm trước, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) kiện mạng xã hội Facebook vì thực hiện các hành vi lạm dụng độc quyền. Vấn đề mà FTC xoáy sâu là việc Facebook mua lại các đối thủ cạnh tranh như Instagram và WhatsApp. Các tài liệu nội bộ cho thấy tỷ phú Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc Facebook, xác định hai nền tảng ấy có thể đe dọa Facebook, theo Theo Nikkei Asian Review.

Ban lãnh đạo Facebook quyết định áp dụng chiến lược "thôn tính thay vì không cạnh tranh". Với việc thôn tính Instagram và WhatsApp, mạng xã hội Facebook vô hiệu hóa cạnh tranh, ngăn chặn viễn cảnh nền tảng mới đe dọa họ. Chiến lược ấy cũng giúp Facebook tránh nguy cơ một số đối thủ lớn như Apple và Google mua lại các nền tảng mạng xã hội tiềm năng.

FTC kết luận rằng chiến lược kinh doanh của mạng xã hội Facebook mang tính phản cạnh tranh, độc quyền. Họ muốn Facebook phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp. Có thể đó là lý do Facebook đang đẩy nhanh tiến độ tích hợp dịch vụ nhắn tin vào Instagram.

Với việc thôn tính Instagram và WhatsApp, mạng xã hội Facebook vô hiệu hóa cạnh tranh, ngăn chặn viễn cảnh nền tảng mới đe dọa Facebook. Ảnh: PBS

Với việc thôn tính Instagram và WhatsApp, mạng xã hội Facebook vô hiệu hóa cạnh tranh, ngăn chặn viễn cảnh nền tảng mới đe dọa Facebook. Ảnh: PBS

Chiến lược "tàn nhẫn" của Facebook ảnh hưởng đến người dùng như thế nào khi nền tảng này không thu phí? Nikkei Asia Review nhận định, dù người dùng sử dụng Facebook miễn phí, chất lượng dịch vụ của mạng xã hội lớn nhất thế giới đang giảm dần. Tình trạng độc quyền cản trở đổi mới và sáng tạo, nhưng quyền riêng tư vẫn là "cái gai" nhức nhối nhất.

Vì đã triệt tiêu cạnh tranh, Facebook có thể ồ ạt thu thập dữ liệu người dùng để mở rộng dịch vụ. Lợi nhuận của Facebook đến từ từ khả năng cá nhân hóa và xác định từng đối tượng người dùng riêng biệt cho các loại quảng cáo khác nhau. Khi không còn đối thủ cạnh tranh, họ bỏ dần các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mà không sợ người dùng rời khỏi nền tảng.

Chính sách không tôn trọng quyền riêng tư mà Facebook áp dụng không ảnh hưởng lớn tới người dùng của họ. Facebook muốn người dùng dành nhiều thời gian trên thiết bị di động, chia sẻ dữ liệu cá nhân để thuật toán của tập đoàn đẩy các sản phẩm phù hợp với nhu cầu đến với họ.

Người dùng chẳng hề hưởng lợi từ chiến lược kinh doanh ấy. Nó chỉ phục vụ lợi ích của các nhà quảng cáo, giúp Facebook tăng doanh thu, kiếm hàng chục tỷ USD mỗi năm. Facebook lưu trữ, phân tích và trao đổi dữ liệu cá nhân như sở thích, thói quen với các doanh nghiệp cần chúng. Ưu tiên hàng đầu của Facebook là tương tác và khai thác dữ liệu.

Quyền riêng tư không chỉ là quyền bảo vệ bí mật cá nhân hoặc quyền tự do. Theo các chuyên gia, quyền riêng tư còn là quyền tương tác với các không gian chung mà không chịu giám sát và kiểm soát. Tác hại của tình trạng độc quyền trên mạng xã hội không phải là số tiền người dùng chi ra, mà là cuộc sống mạng mất tự do, người dùng trở thành đối tượng để các tập đoàn công nghệ khai thác.

Thực tế cho thấy Facebook ngày càng giống một chính phủ hơn là một doanh nghiệp. Nhưng trong khi chính phủ dân bầu, chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các cơ chế, "đế chế Facebook" hoạt động tự do và không chịu bất kỳ sự giám sát nào.

Facebook chỉ tập trung vào việc tăng thời gian tương tác trực tuyến của người dùng, nên họ không quan tâm đến các vấn đề khác. Về bản chất, Facebook không coi trọng trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư.

Hồi tháng 9, BuzzFeed công bố một phần nội dung báo cáo của Sophie Zhang, một cựu nhân viên Facebook. Nhiệm vụ của Zhang là xử lý thông tin sai lệch về các cuộc bầu cử trên khắp thế giới. Zhang cáo buộc Facebook phớt lờ hoặc xử lý chậm chạp các tài khoản giả mạo và những chiến dịch lan truyền tin giả tại nhiều nơi trên thế giới.

"Đơn kiện của FTC cho thấy các cơ quan quản lý đã phát hiện sự nguy hiểm trong mô hình kinh doanh của Facebook và những tác hại nó có thể gây ra cho người dùng, Nikkei Asian Review bình luận.

Nhã Vy/theo Nikkei Asian Review
Bạn đang đọc bài viết Chiến lược thôn tính thay vì cạnh tranh của mạng xã hội Facebook tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cuộc khẩu chiến về quyền riêng tư giữa Apple và Facebook
Apple tố Facebook nỗ lực thu thập dữ liệu càng nhiều càng tốt nhằm kiếm tiền từ các hồ sơ chi tiết của người dùng, còn Facebook cáo buộc Apple đang nỗ lực chuyển hướng các hình thức Internet miễn phí sang ứng dụng và dịch vụ trả phí để thu lợi nhuận.