Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt sau lệnh cấm bán khống
TCDN - Cổ phiếu ở Hàn Quốc tăng mạnh vào sáng 6/11 sau khi nước này ban hành lệnh cấm bán khống cổ phiếu trong khoảng 8 tháng, một động thái gây tranh cãi mà chính quyền cho rằng cần thiết để ngăn chặn giao dịch bất hợp pháp.
Theo đó, chỉ số Kospi chuẩn của quốc gia này đã tăng tới 4%, trong đó công ty pin LG Energy Solution tăng hơn 20% và Posco Future M, một công ty vật liệu pin, tăng 28%. Chỉ số Kosdaq tập trung vào công nghệ đã tăng tới 6%.
Lệnh cấm do Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) áp đặt sẽ có hiệu lực từ ngày 6/11 cho đến tháng 6/2024 và áp dụng cho tất cả các cổ phiếu niêm yết ở Hàn Quốc.
Chủ tịch FSC Kim Joo-hyun cho biết: “Bất chấp những cải tiến về quy định trước đó, mối lo ngại vẫn còn cao về việc hình thành giá hợp lý trên thị trường chứng khoán trong nước do các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu liên tục bán khống bất hợp pháp”.
Chỉ số chuẩn Kospi đã tăng tới 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2021, dẫn đầu mức tăng trong số các chỉ số đo lường chính của khu vực ở châu Á vào ngày 6/11. Các cổ phiếu có vị thế bán khống tăng vọt gần đây, bao gồm LG Energy Solution Ltd. và Posco Future M Co., nằm trong số những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất. Chỉ số Kosdaq vốn hóa nhỏ đã tăng tới 5,9%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Ông nói thêm rằng, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm một “sự cải thiện cơ bản” để tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư bán lẻ trong những tháng tới, bao gồm cả việc tìm cách thu hẹp các yêu cầu và điều kiện bán khống khác nhau giữa các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.
FSC sẽ sử dụng khoảng thời gian từ nay đến tháng 6 năm sau để cải thiện các quy định về bán khống và cho biết, chính phủ sẽ tiến hành một cuộc điều tra về hoạt động bán khống “trần trụi” của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu. Bán khống “trần trụi” là hành vi bán khống cổ phiếu bất hợp pháp mà không vay trước hoặc xác nhận rằng chúng có thể được vay.
Ông Kim nói: “Chúng tôi sẽ áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với các hoạt động bán khống “trần trụi” bất hợp pháp. Thủ phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và phải đối mặt với truy tố hình sự”.
Nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục xem xét các giao dịch bán khống của các ngân hàng toàn cầu với sự ra đời của một nhóm điều tra đặc biệt vào thứ Hai. Lee Bokhyun - Thống đốc Cơ quan giám sát Dịch vụ Giám sát tài chính, nói với các phóng viên rằng 10 ngân hàng toàn cầu sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra liên quan đến hầu hết các giao dịch bán khống ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc bắt đầu cho phép bán khống cổ phiếu của hai chỉ số Kospi và Kosdaq vào tháng 5/2021, trong khi vẫn áp dụng lệnh cấm trong thời kỳ đại dịch đối với hơn 2.000 cổ phiếu, nhà phân tích Brian Freitas của Smartkarma Holdings Pte. cho biết.
Freitas nói: “Lệnh cấm bán khống sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho cơ hội chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển của Hàn Quốc. Kỳ vọng bong bóng sẽ hình thành trong các khu vực thị trường được các nhà đầu tư bán lẻ ưa chuộng vì việc bán khống không còn đóng vai trò là lực cản đối với việc định giá vô lý”.
Theo dữ liệu của cơ quan quản lý, việc bán khống chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường chứng khoán trị giá 1,7 nghìn tỷ USD của Hàn Quốc - khoảng 0,6% giá trị thị trường của Kospi và 1,6% của Kosdaq.
Vào tháng trước, cơ quan quản lý tài chính cho biết họ có kế hoạch áp dụng hình phạt đối với hai ngân hàng đầu tư toàn cầu mà họ chưa xác định được danh tính ở Hồng Kông vì hành vi bán khống cổ phiếu “thường xuyên và có chủ ý”.
Lệnh cấm đảo ngược quyết định của cơ quan quản lý vào năm 2021 về việc dỡ bỏ các hạn chế bán khống đối với cổ phiếu Kospi 200 và Kosdaq 150. Các hạn chế đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch để củng cố thị trường chứng khoán.
An Hyung-jin - Giám đốc điều hành của quỹ phòng hộ Billionfold Asset Management có trụ sở tại Seoul, mô tả động thái của cơ quan quản lý là phản ứng trước “tâm lý tiêu cực của công chúng trong bối cảnh thị trường chứng khoán trì trệ” trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội vào tháng 4.
Theo dữ liệu của cơ quan quản lý, việc bán khống chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường chứng khoán trị giá 1,7 nghìn tỷ USD của Hàn Quốc - khoảng 0,6% giá trị thị trường của Kospi và 1,6% của Kosdaq.
Bán khống nổi lên như một vấn đề nóng bỏng trên chính trường Hàn Quốc trong thời kỳ đại dịch, với đội ngũ các nhà đầu tư bán lẻ của đất nước - được biết đến rộng rãi với cái tên “kiến” - đang vận động hành lang để hạn chế hoạt động này khi họ đấu tranh với các nhà đầu tư tổ chức để bảo vệ vị thế của họ.
Chủ tịch FSC Kim Joo-hyun cho biết hôm 5/11 rằng, lệnh cấm tạm thời sẽ “về cơ bản giảm bớt sân chơi nghiêng về các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ”. Còn theo ông An Hyung-jin, quyết định của FSC đã gây ngạc nhiên cho những người từng kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán khống như một phần trong chiến dịch lâu dài của Seoul nhằm nâng cấp vị thế thị trường từ mới nổi lên phát triển trong bộ chỉ số của MSCI Inc.
An Hyung-jin cho biết: “Các nhà đầu tư trong nước sẽ hoan nghênh động thái này, nhưng điều này sẽ khiến việc nâng hạng thị trường chứng khoán của Hàn Quốc trở nên khó khăn hơn. Lệnh cấm bán khống có thể là một tác nhân nhỏ mang lại lợi nhuận ngắn hạn, nhưng tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước sẽ được cải thiện để thị trường phục hồi trong dài hạn”.
Kospi đã giảm gần 15% từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 10 do lãi suất ở Mỹ cao liên tục. Chỉ số bắt đầu tăng vào tuần trước do kết quả từ các nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix và Samsung Electronics cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực chip nhớ toàn cầu.
Huh Jae-Hwan - nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities cho biết, lệnh cấm mới nhất là “bất thường” vì các cơ quan chức năng đang cấm toàn diện việc bán khống vào thời điểm không có khủng hoảng tài chính.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899