Đề nghị thuế VAT cho phân bón là 0% nhưng doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào

24/06/2024, 20:18
báo nói -

TCDN - Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khi phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều nay 24/6 về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Chiều 24/6, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng - VAT (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc sửa đổi thuế giá trị gia tăng để phù hợp với những thay đổi mới của các hoạt động kinh tế, xã hội mới phát sinh; song ông cũng có một số ý kiến đóng góp đáng chú ý.

Không sửa đổi Thuế giá trị gia tăng để tăng thu ngân sách

Thứ nhất, vị đại biểu nhận định, mục tiêu của sửa đổi thuế GTGT không phải nhằm tăng thu ngân sách;

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Theo thống kê của cơ quan quản lý thu thì số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 1/4 trong tổng số thu về thuế cũng như tổng số thu ngân sách nhà nước; thuộc nhóm nước có tỷ lệ huy động thuế GTGT cao trong khu vực.

"Hai chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là tỉ số năng suất thu và và chỉ số tỉ số hiệu suất thu thuế GTGT ở nước ta đều khá cao. Điều đó cho thấy việc thu thuế GTGT ở nước ta rất hiệu quả và khá triệt để; do vậy, để tăng thu thì chỉ còn giải pháp tăng thuế suất", đại biểu phân tích.

Mặt khác, thuế suất GTGT ở nước ta tuy tương đối thấp so với các nước EU, nhưng tương đương với một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; cao hơn Singapore (9%); Đài Loan (5%).

"Mặc dù, thuế GTGT là thuế đánh vào người tiêu dùng, người sản xuất không phải trả thuế GTGT, nhưng tăng thuế GTGT sẽ làm tăng giá bán hàng hóa, dẫn đến hạn chế tiêu dùng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa và ảnh hưởng trở lại đối với người sản xuất. Để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong hai năm qua đã mang lại tác động tích cực cho cả đời sống và sản xuất trong nước", ông Cường nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị mục tiêu của sửa đổi Luật thuế GTGT kỳ này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách.

Nếu muốn tăng thu ngân sách, ông đề nghị cần sớm ban hành hai sắc thuế là Thuế Tài sản và Thuế Bảo vệ môi trường.

Trong đó, Thuế tài sản là sắc thuế vừa có khả năng huy động đóng góp rất lớn cho ngân sách, vừa có vai trò điều tiết hành vi, đảm bảo công bằng trong chiếm giữ tài sản xã hội; nhất là hành vi đầu cơ, đẩy giá đất đai, bất động sản gia tăng, trong bối cảnh Luật Đất đai quy định giá đất được định giá theo thị trường.

Luật Thuế bảo vệ môi trường cần sớm ban hành để điều tiết hành vi gây ô nhiễm, xâm hại môi trường đồng thời khuyến khích các hoạt động chuyển đổi xanh mà Việt Nam đang theo đuổi.

Việc lý giải phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng làm tăng giá mặt hàng này là không đúng

Vấn đề thứ hai, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần xem lại việc chuyển các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (là yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% (hiện tại đang áp dụng mức 0% - PV), vì hai lý do sau đây:

Lý do, theo đại biểu, việc lý giải phân bón không phải chịu thuế GTGT làm giá phân bón tăng là không đúng.

Vì theo Báo cáo của Bộ Tài chính, sau khi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 có hiệu lực (bao gồm quy định chuyển thuế GTGT đối với phân bón từ 5% sang không phải chịu thuế), thì giá phân bón liên tục giảm xuống: quý I/2015 giảm nhẹ so với quý I/2014; năm 2016 giảm khoảng 500 đồng/kg so với năm 2015; năm 2017 giảm tiếp 700-900 đồng/kg so với năm 2016.

"Đến năm 2018, lần đầu tiên giá phân bón trong nước tăng do nguồn cung trong nước giảm vì Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng hoạt động do sự cố kỹ thuật; năm 2022 tăng hơn 5.000 đồng/kg do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine", đại biểu dẫn số liệu và khẳng định, đúng theo nguyên lý là giảm thuế thì dẫn đến giảm giá bán; còn việc giá phân bón những năm gần đây tăng là do nhiều yếu tố từ cầu thị trường trong nước và các yếu tố cung của thị trường quốc tế, không phải do quy định phân bón không chịu thuế GTGT.

Mặt khác, theo đại biểu, việc lập luận áp thuế GTGT 5% đối với phân bón để doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào sẽ giảm chi phí sản xuất để giảm giá bán, người nông dân được hưởng lợi cũng không thuyết phục.

Dẫn báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, đại biểu nêu, số thuế GTGT đầu vào các doanh nghiệp sản xuất phân bón chưa được khấu trừ mỗi năm khoảng 1.500 tỷ đồng. Trung bình doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT của ngành phân bón khoảng 114.000 tỷ đồng.

"Nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% thì số thuế GTGT khi bán phân bón thu được khoảng 5.700 tỷ đồng. Đó là nguồn tiền để hoàn thuế đầu vào cho các doanh nghiệp phân bón khoảng 1.500 tỷ đồng, nộp vào ngân sách khoảng 4.200 tỷ đồng.

Người nông dân phải bỏ thêm số tiền 5.700 tỷ đồng tiền thuế GTGT khi mua phân bón. Số tiền này người nông dân không được hoàn lại vì sản phẩm nông nghiệp bán ra không thu thuế GTGT. Vậy không thể nói là nông dân được hưởng lợi", vị đại biểu là chuyên gia kinh tế khẳng định.

Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội kết luận, thuế GTGT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Chúng ta không thể bắt người nông dân mua phân bón đầu vào phải chịu thuế cũng như không thể bắt các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu thuế khi mua nguyên liệu đầu vào.

"Do vậy, tôi đồng tình với đề xuất trong Luật này quy định cho phép các doanh nghiệp sản phân bón được hoàn thuế GTGT đầu vào trên cơ sở thuế GTGT phân bón là 0% hoặc không chịu thuế như nhiều nước trên thế giới. Đồng thời tôi đề nghị áp dụng tương tự đối với các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản", ông Cường kiến nghị.

PV
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị thuế VAT cho phân bón là 0% nhưng doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hoàn thuế VAT: Không thể doanh nghiệp làm sai, công chức thuế phải chịu
Chia sẻ về trách nhiệm của công chức thuế khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh dự thảo luật quy định hành vi chịu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thuế và doanh nghiệp rõ ràng. Không thể doanh nghiệp làm sai, bắt công chức thuế phải chịu và ngược lại.