Doanh nghiệp, chuyên gia nói gì về giải pháp để trụ vững trước đại dịch?

14/03/2020, 10:16

TCDN - Theo nhiều chuyên gia, kích cầu trong nước, đa dạng hóa thị trường, gia hạn, hoãn nợ... sẽ là những biện pháp cần thiết để cải thiện tình hình trước diễn biến phức tạp của đại dịch.

cov

Theo ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan, dịch bệnh cũng là thời cơ tốt để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu và phát triển thương mại điện tử. "Việc phát triển thương mại điện tử sẽ giúp người dân giảm thời gian mua sắm mà không phải mất thời gian đi chợ", ông Quang nói.

Còn ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên phong Bank, cho rằng  việc khoan sức dân, giãn việc nộp thuế là cần thiết nhưng hiện các doanh nghiệp đang phải cho người lao động nghỉ ít nhất khoảng 30%.

Ông Đỗ Minh Phú cũng cho biết, tại tập đoàn vàng bạc đá quý Doji đã phải cho khoảng 50% nhân viên nghỉ việc. Theo quy định doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng.

Bởi vậy, ông Phú kiến nghị: nên kéo giãn thời gian nộp thuế VAT giảm bớt áp lực khó khăn cho DN, cần xem xét các ngành nghề cần khôi phục thì nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giữa bối cảnh dịch bệnh khó khăn sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là cơ hội tiến vào các thị trường là thế mạnh của Trung Quốc nay đang bị bỏ ngỏ. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động khắc phục khó khăn, tự cứu mình trước, tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Một số ngành có thể thấy ngay mức độ ảnh hưởng như ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, tuy nhiên, một số ngành bị ảnh hưởng gián tiếp, do thu nhập người dân giảm, giảm mua sắm như bất động sản, thời trang, phương tiện giao thông.

Trước tình trạng này, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, việc cần làm lúc này là cùng hỗ trợ, cùng tham gia với doanh nghiệp, đảm bảo dòng tiền thanh toán. Đối với hệ thống ngân hàng, có thể gia hạn, giãn nợ cho doanh nghiệp. Giải pháp đảm bảo doanh nghiệp có luồng tiền để cầm cự và để có thể phục hồi sau giai đoạn khó khăn này.

Về những tác động của dịch Covid-19 mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu, ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, chưa cần đến dịch COVID-19 thì các nhà hàng, quán ăn cũng “đã chết” một phần khi người tiêu dùng hạn chế ăn uống, tiêu thụ đồ uống có cồn.

Vị này kiến nghị cần phải khảo sát, điều tra toàn diện để đánh giá thiệt hại và sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành này.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trong những năm vừa qua. Trong lúc doanh nghiệp gặp khó nguồn hàng ở các nước quen thuộc thì cần tăng cường khai thác FTA với các nước khác đã ký.

Do đó, theo ông Doanh, cần phải tính toán phương án không nên nhất thiết và cứng nhắc khi chọn một bạn hàng quen thuộc, đồng thời mở rộng thị trường, tìm hiểu thêm, liên kết với họ để tìm nguồn hàng thay thế.

Đồng thời phải khuyến khích kích cầu trong nước. Ngoài việc ngân hàng mở rộng gói cho vay cho sản xuất thì cần phải có gói vay cho tiêu dùng để khuyến khích người dân mua thêm hàng hóa đắt tiền, mua hàng hóa lâu bền.

"Nhà nước nên có phương án cụ thể cho doanh nghiệp nhưng không nên chia thị phần. Bởi lẽ thị phần là cạnh tranh, không thể nghĩ để chia một cách hành chính. Không thể bán chỗ này bán chỗ kia", ông Doanh nói.

Thanh Hà t/h
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp, chuyên gia nói gì về giải pháp để trụ vững trước đại dịch? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Tài chính tính giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ
Ngoài việc Ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp ứng phó dịch Covid-19
Ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch; ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công... là những giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất để ứng phó ứng phó dịch Covid-19.