ECB: Giá trị hợp lý của tiền ảo Bitcoin bằng 0

27/02/2024, 07:12

TCDN - Các quan chức hàng đầu của ECB nhận định tiền ảo Bitcoin đã thất bại trong việc trở thành một đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung toàn cầu.

Giám đốc Cơ sở Hạ tầng Thị trường và Thanh toán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Ulrich Bindseil, và Cố vấn Jürgen Schaaf vừa công bố một bài viết bày tỏ quan điểm rằng tiền ảo Bitcoin đã thất bại trong việc trở thành một đồng tiền số phi tập trung toàn cầu.

Những thất bại của Bitcoin

Những quan chức của ECB đã phản đối quan điểm cho rằng việc đầu tư tiền ảo Bitcoin là an toàn, cũng như khẳng định rằng “giá trị hợp lý (fair value) của Bitcoin vẫn là con số 0”, bất chấp việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phê duyệt các ETF giao ngay dựa trên đồng tiền này.

Ngoài ra, Ulrich Bindseil và Jürgen Schaaf cũng cho rằng một chu kỳ bùng nổ và suy thoái của Bitcoin sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội và môi trường. Ngoài ra, tiền ảo Bitcoin cũng thất bại trong việc trở thành một tài sản tài chính mà giá trị luôn tăng lên theo thời gian. 

Thứ nhất, theo Ulrich Bindseil và Jürgen Schaaf, giao dịch tiền ảo Bitcoin hiện nay vẫn “chậm chậm,bất tiện và tốn kém”. Ngoài ra, tiền ảo Bitcoin cũng thường chỉ được sử dụng cho các hoạt động tội phạm, chứ hiếm khi để thanh toán. Những nỗ lực để ngăn cản Bitcoin được tội phạm sử dụng, hay biến đồng tiền này thành công cụ thanh toán cũng đều thất bại. 

Bitcoin 4

Tương tự, hai tác giả lập luận Bitcoin không phù hợp để trở thành phương tiện đầu tư. Đồng tiền mã hóa này không tạo ra dòng tiền (như bất động sản) hoặc cổ tức (như cổ phiếu), không thể sử dụng (như hàng hóa), không mang lại giá trị cho xã hội (như trang sức) hoặc giá trị nghệ thuật (như các tác phẩm nghệ thuật). Các nhà đầu tư bán lẻ đa bị thu hút bởi nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) và có khả năng mất tiền. 

Ngoài ra, việc khai thác bitcoin cũng tiếp tục gây ô nhiễm môi trường như một quốc gia. Giá Bitcoin tăng lên cũng đồng nghĩa mức độ tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn.

Giá trị hợp lý bằng 0

Bất chấp những vấn đề mà các quan chức nêu, tiền ảo Bitcoin vẫn có một đợt tăng giá ấn tượng, từ dưới 17.000 USD vào cuối năm 2022 lên đến gần 53.000 USD hồi đầu tuần này. Lý giải hiện tượng này, các quan chức ECB cho rằng đợt tăng giá đến từ việc ETF được thông qua và sự kiện halving (giảm một nửa phần thưởng cho thợ đào).

Ngoài ra, dự báo về lãi suất thấp cũng làm tăng kỳ vọng của nhà đầu tư, hứa hẹn mang lại dòng tiền lớn cho Bitcoin. Tuy vậy, dòng tiền này được các tác giả gọi là “nguồn nguyên liệu duy nhất trong bong bóng đầu cơ”.

Những quan chức hàng đầu của ECB cho rằng trong ngắn hạn, dòng tiền chảy vào có thể tác động lớn đến giá cả nhưng về lâu dài, thứ duy nhất quyết định giá của một tài sản là giá trị cơ bản. “Nếu không có dòng tiền mới hay lợi tức thì giá trị hợp lý của tài sản sẽ bằng 0”. 

Tương tự, việc được giao dịch thông qua ETF cũng không làm thay đổi giá trị hợp lý của tài sản, các tác giả cho hay. "ETF chỉ nắm duy nhất một tài sản đi ngược lại chính logic của sản phẩm này". 

ETF thường nhằm mục đích đa dạng hóa rủi ro bằng cách nắm nhiều cổ phiếu trên sàn, chứ không phải một công cụ lưu ký tài sản. Theo các tác giả, chẳng có lý do gì để trả phí cho một bên thứ ba, trong khi có nhiều cách để sở hữu trực tiếp tiền ảo Bitcoin mà không cần qua bất cứ trung gian nào,

“Thật nực cười khi đồng tiền mã hóa với mục tiêu vượt qua hệ thống tài chính toàn cầu lại cần các trung gian truyền thống để tìm đến nhiều nhà đầu tư hơn”, tác giả viết.

Kết luận bài viết, các quan chức ECB cho rằng mức giá của Bitcoin không phải là một chỉ báo cho thấy tính bền vững của đồng tiền này. Không có dữ liệu kinh tế cơ bản, không có giá trị hợp lý để từ đó có thể đưa ra những dự báo nghiêm túc về giá trị thực sự của Bitcoin. 

Nhóm tác giả kiến nghị cơ quan chức năng phải cảnh giác và bảo vệ xã hội khỏi hoạt động rửa tiền, tội phạm mạng, tổn thất tài chính và tác động của việc khai thác Bitcoin tới môi trường.

Tùng Lâm/ECB
Bạn đang đọc bài viết ECB: Giá trị hợp lý của tiền ảo Bitcoin bằng 0 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan