Hà Nội: Quản lý chặt chợ đầu mối

27/02/2020, 20:33

TCDN - Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tại một số chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố, các hộ chưa ghi chép đầy đủ nguồn gốc nông sản nhập từ các tỉnh, thành khác. Trong lúc đó, hiện có đến 90% hàng nông sản bán trên thị trường được cung cấp qua các chợ đầu mối, sau đó bán lẻ tại chợ dân sinh.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản cấp 1: Chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Bên cạnh đó, còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như: Chợ Long Biên (quận Ba Đình); chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai); chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín); chợ đêm nông sản Văn Quán (quận Hà Đông)...

Vì vậy, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội để kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc nông sản, thời gian qua, Sở đã thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ đầu mối. Qua đó nhắc nhở, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, cam kết kinh doanh hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.

cho dau moi

Qua kiểm tra thực tế tại một số chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, nhìn chung các hộ chưa ghi chép đầy đủ nguồn gốc nông sản nhập từ các tỉnh, thành phố khác.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, qua kiểm tra các chợ đầu mối cho thấy, tại khu vực kinh doanh rau, củ, quả, hầu hết hộ kinh doanh không có giá, kệ; còn hiện tượng sản phẩm rau, củ, quả bày trên bao bì, bạt ni lông hoặc bày trực tiếp tại nền chợ. Ở khu vực kinh doanh thủy sản, một số hộ thực hiện việc sơ chế thủy sản tươi sống trên nền chợ - chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ đầu mối nông sản, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đào Văn Đô cho biết, Ban Quản lý chợ tiếp tục tổ chức cho 100% hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo mẫu đã được quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31-10-2018 quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT; đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn gốc các mặt hàng nông sản của các chủ hộ kinh doanh đưa về chợ tiêu thụ.

Lãnh đạo sở NN&PTNT cho rằng, các chợ cần yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện tốt các quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý, tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ (đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng, chống dịch bệnh, các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm); hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện đầy đủ việc ghi chép mua bán, theo dõi nguồn gốc, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về lâu dài, xây dựng chợ đầu mối cần tiến hành từng bước, chậm nhưng chắc; xây dựng được chuỗi liên kết từ các địa phương, từ vùng nguyên liệu đến các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối để cung cấp và lan tỏa toàn thành phố, bảo đảm an toàn thực phẩm cùng lợi nhuận của người kinh doanh và người sản xuất. 

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Quản lý chặt chợ đầu mối tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan