Khởi nghiệp du lịch: Loay hoay bước chân vào ước mơ của khách hàng
TCDN - Với con số tăng trưởng du lịch ấn tượng, trước những xu hướng mới của ngành du lịch toàn cầu, đòi hỏi du lịch Việt Nam tìm ra những hướng đi bền vững hơn cho mình bằng sáng tạo những mô hình kinh doanh bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị lâu dài hơn.
Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16%; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 720.000 tỷ đồng, tăng thêm 16%.
Booking đang là mảnh đất startup Việt khai thác nhiều nhất
Tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch chỉ chiếm 34%, chủ yếu vẫn là hình thức đặt dịch vụ trực tiếp với các nhà cung cấp. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
Theo số liệu của công ty IDM Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch…. Đặc biệt, vào những mùa cao điểm của du lịch nội địa như du lịch hè, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam, nếu tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử thì sản phẩm du lịch Việt Nam sẽ đến được với du khách nhiều hơn nữa và gia tăng các giao dịch trực tuyến. Từ đó, du lịch không chỉ thu được lợi nhuận từ các giao dịch mà còn tiết kiệm được một số khoản chi phí cho việc marketing và tiếp thị.
Thực tế, sự nổi lên của một số startup trong mảng du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua, đặt trong bối cảnh các xu hướng của ngành du lịch toàn cầu, có thể thấy, cho đến thời điểm này, du lịch Việt Nam vẫn còn đang loay hoay bước chân vào ước mơ của khách hàng. Các kênh quảng bá du lịch của chúng ta chưa có sự đột phá cả về số lượng và chất lượng. Việc quảng bá sử dụng công nghệ mới chỉ được nhắc đến thành một chiến lược lớn năm 2018. Bản thân các doanh nghiệp, mặc dù đã ứng dụng internet để quảng bá nhưng không có sự đầu tư vào nội dung sáng tạo mà chỉ mới cạnh tranh bằng từ khóa, hình ảnh và những công cụ phổ biến. Có thể nói ở hai bước đầu, ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng đều đang khá lúng túng và thiếu đột phá. Có thể sự thiếu đột phá này còn xuất phát từ chính sự nghèo nàn trong thiết kế trải nghiệm của khách hàng. Thiếu những chất liệu đầu vào, nội dung không thể sáng tạo và tìm kiếm những cách thể hiện mới được. Sự xuất hiện lác đác của một số doanh nghiệp trong mảng AR/VR tham gia vào ngành du lịch chưa thực sự tạo ra những đổi mới trong cách thức đưa Việt Nam ra thế giới.
Tỷ phú Jeff Hoffman khi sang Việt Nam đã chia sẻ với các startup du lịch rằng: “startup Việt Nam cần phải để thế giới thấy Việt Nam theo một cách khác”. “Một cách khác” ở đây đòi hỏi chúng ta tư duy một cách tổng thể hơn, đột phá hơn và nắm bắt xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ của việc ứng dụng những công nghệ mới song song với tạo dựng những giá trị thực để có thể tận dụng tối đa những gì công nghệ mang lại.
Về booking (đặt chỗ), có thể thấy, booking đang là mảnh đất startup Việt và cả các doanh nghiệp khai thác nhiều nhất hiện nay. Nó nằm trong bước trước khi trải nghiệm của khách hàng và có thể diễn ra trong khi trải nghiệm khi nhu cầu mới phát sinh. Có điều, các mô hình vay mượn trong booking và nỗ lực bản địa hóa không giúp các startup thoát ra khỏi câu chuyện cạnh tranh trên đại dương đỏ với những startup và doanh nghiệp đình đám của nước ngoài.
Booking đang gặp phải nhiều vấn đề ở mạng lưới, ở năng lực vận hành, năng lực công nghệ, khả năng tài chính để chơi cuộc chơi lớn và có thể nói các nỗ lực hiện nay đều manh mún, thiếu sự liên kết. Các startup Việt vẫn đang cạnh tranh trên những sản phẩm cũ, cách làm cũ chứ chưa thực sự tạo ra một thị trường mới hay tạo ra sản phẩm mới, tìm kiếm những nguồn cung mới. Nói một cách khác, họ chưa tạo ra được những đột phá dựa trên lợi thế sân nhà của mình.
Kết hợp hiểu biết về công nghệ với thực tiễn
Một vấn đề khác, đâu đó người ta nói rằng dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và nói chung là những công nghệ tiên phong đang thay đổi thế giới này hoàn toàn. Nhưng chính những chuyên gia cũng khẳng định rằng “you can’t have Internet of things without things” - Không thể có internet kết nối vạn vật nếu không có “vạn vật” thực sự. Điều đó hàm ý, mặc dù công nghệ đang chiếm thế thượng phong trong đổi mới sáng tạo, đang làm tiền đề cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nổi lên, đang thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống thì không thể phủ nhận một thực tế là chúng ta sẽ không thể phát triển những giải pháp bền vững nếu như không thực sự kết hợp hiểu biết về công nghệ với thực tiễn giải quyết vấn đề của những thứ hiện hữu có thể cầm nắm, cảm nhận được.
Đối với ngành du lịch, cho dù công nghệ có giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh đến đâu thì khoảng cách giữa kỳ vọng ước mơ với những hiện thực có thể sẽ rất lớn và gây ra thất vọng cho khách du lịch. Một bãi biển đẹp như mơ trên các video clip, những cái phẩy tay lướt trên màn hình để trải nghiệm trước một thắng cảnh có thể tạo ra ước mơ, dẫn khách hàng nhanh chóng đến đặt chỗ khó có thể thay thế cho cảm xúc thất vọng khi thấy một bãi biển đầy rác, những dịch vụ và trải nghiệm nghèo nàn và những đồ lưu niệm thiếu sáng tạo tinh tế. Cho dù chúng ta bắt đầu xây dựng những ứng dụng gia tăng trải nghiệm của khách hàng như ứng dụng du lịch gia tăng trải nghiệm của từng thành phố thì thực sự những ứng dụng trên điện thoại di động mới chỉ dừng lại ở cung cấp những gì mình có, hoàn toàn thiếu những hiểu biết thực sự về nhu cầu và trải nghiệm của người dùng. Đó là chưa nói đến, trải nghiệm di động mới chỉ là một phần nhỏ trong trải nghiệm tổng thể của khách hàng. Thực tế cho thấy chưa có một ứng dụng nào của startup Việt được khách du lịch cả trong nước và nước ngoài rỉ tai nhau chia sẻ nhất định phải sử dụng khi đi du lịch ở Việt Nam.
Cuối cùng, cũng cần phải chỉ ra những điểm đang hạn chế sự chia sẻ. Những con số 93% du khách hài lòng với du lịch Việt Nam, 40% quay lại dường như là những con số lạc quan thái quá. Nếu nhìn vào thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng phần mềm quản lý khách hàng để chăm sóc lại khách hàng và thiếu vắng những chiến dịch động lực để họ chia sẻ trải nghiệm với khách hàng tiềm năng mới thì những con số trên không phản ánh những thách thức với du lịch. Việc thu thập thông tin về trải nghiệm của khách hàng manh mún, thiếu hệ thống và không có sự liên kết giữa các khâu nên việc ứng dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain sẽ là một rào cản lớn. Đó là chưa nói đến, nhận thức của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới là vấn đề đầu tiên mang tính quyết định.
Từ những hạn chế trên cho thấy, sức ép phải đổi mới sáng tạo đối với du lịch Việt. Đã qua rồi thời của khai thác những gì thiên nhiên ban tặng một cách vô trách nhiệm. Việc chỉ thu hút khách du lịch đến những thắng cảnh mà không đầu tư để bảo tồn những thắng cảnh đó thì rất khó để phát triển bền vững và gia tăng giá trị trên đó. Trên con đường đi tìm những hướng đi và mô hình bền vững hơn của ngành du lịch, cần có một cái nhìn tổng thể để thực sự trả lời cho câu hỏi đầu tiên, quan trọng nhất: Tại sao du lịch cần đổi mới sáng tạo hơn?
Nguyễn Đặng Tuấn Minh
email: [email protected], hotline: 086 508 6899