Lễ truy điệu và an táng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

26/07/2024, 15:58

TCDN - Lễ truy điệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể lúc 13h00 và Lễ an táng được tiến hành vào lúc 15h00 ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Vào lúc 13 giờ chiều nay (26/7), Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành tại Nhà tang lễ Quốc gia. 

Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành theo nghi thức Quốc tang. Ảnh: VOV

Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành theo nghi thức Quốc tang. Ảnh: VOV

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch nước Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị và toàn thể đồng bào cả nước bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

"Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú.

Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Di sản vô giá đó đã củng cố niềm tin mãnh liệt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phong trào cộng sản trên thế giới, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay".

"Với tầm nhìn chiến lược về tình hình quốc tế trong thế giới đương đại, với những nỗ lực không ngừng góp phần duy trì, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, Đồng chí mở ra chương mới trong quan hệ giữa nước ta với đối tác quốc tế, thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia, tăng cường sự đóng góp của Việt Nam bằng nhiều cam kết, hành động thiết thực, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước ta tiến lên mạnh mẽ.

Mãnh liệt truyền cảm hứng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bằng trí tuệ, tinh thần nhân văn, nhân ái cao cả, bằng ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, bằng nhân cách và danh dự người chiến sĩ cộng sản hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tâm niệm “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, Nhà lãnh đạo kiên trung Nguyễn Phú Trọng không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước ta, dân tộc ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới". 

Đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ông Nguyễn Trọng Trường - cho biết: “Bố chúng cháu sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, y bác sĩ đầu ngành và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 13h38 ngày 19/7/2024 (14/6 âm lịch) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi.

Lễ Di quan Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.

Lễ Di quan Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.

13h20: Lễ truy điệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc. 13h30: Lễ Di quan Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.

13h53: Linh xa đưa linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra khỏi cổng Nhà tang lễ Quốc gia hướng về nơi an nghỉ cuối cùng, Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Hàng nghìn người dân đến chờ tiễn biệt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hàng nghìn người dân đến chờ tiễn biệt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hai bên các đoạn đường mà đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua có rất đông người dân đến chờ tiễn biệt vị lãnh đạo được nhân dân tôn kính.

Đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua nhiều cung đường của Hà Nội.

Đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua nhiều cung đường của Hà Nội.

14h28: Linh xa chở theo linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng di chuyển đến khu vực Đại lộ Thăng Long. Đoàn xe nghi lễ đang tiến về khu vực Nghĩa trang Mai Dịch. Đây là nơi an nghỉ của 1.228 liệt sĩ và 394 nhân vật từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, các tướng lĩnh xuất sắc, anh hùng lực lượng vũ trang... Nghĩa Trang Mai Dịch cũng là nơi an nghỉ dành cho nhiều lãnh đạo cấp cao và những người có đóng góp to lớn cho đất nước.

15h00: Bắt đầu Lễ an táng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch. 

Gia đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế thắp hương tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Gia đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế thắp hương tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

15h15: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường - Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - phát biểu ý kiến.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Ban tổ chức lễ tang và gia đình Tổng Bí thư phát biểu cảm ơn. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Ban tổ chức lễ tang và gia đình Tổng Bí thư phát biểu cảm ơn. Ảnh: TTXVN

Thay mặt Ban Tổ chức Lễ tang và gia đình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường gửi lời cảm ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu khách quý và đồng bào, đồng chí cả nước, các đơn vị, lực lượng vũ trang, nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế đã đến viếng, gửi vòng hoa, điện chia buồn, dự Lễ truy điệu, Lễ an táng và Lễ tiễn đưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Phu nhân Ngô Thị Mận thắp hương tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phu nhân Ngô Thị Mận thắp hương tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 80 tuổi, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông là giáo sư, tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), cử nhân Ngữ văn. Ông giữ chức Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ba khóa 11-13; Ủy viên Bộ Chính trị 6 khóa 8-13; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); Ủy viên Trung ương Đảng 7 khóa 7-13; Tổng bí thư, Chủ tịch nước từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021; Chủ tịch Quốc hội hai khóa 11-12; đại biểu Quốc hội 5 khóa 11-15.

Bắt đầu sự nghiệp tại Tạp chí Cộng sản, ông từng kinh qua nhiều vị trí, từ cán bộ Phòng tư liệu, cán bộ biên tập, Phó ban, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Ủy viên Ban Biên tập, Phó tổng Biên tập, đến Tổng biên tập.

Ông làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị, học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); thực tập sinh và bảo vệ luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô.

Tháng 8/1996, ông giữ chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, sau đó chuyển sang phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng, làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Trong 6 năm từ 1/2000 đến 6/2006, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi giữ chức Chủ tịch Quốc hội từ tháng 6/2006 đến 7/2011. Tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; sau đó tái cử Tổng bí thư khóa 12 (tháng 1/2016) và 13 (tháng 1/2021).

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Đảng, nhà nước và quốc tế tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý cho sự đóng góp to lớn cho Đảng, nhà nước Việt Nam và quốc tế. 

PV
Bạn đang đọc bài viết Lễ truy điệu và an táng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bắt đầu từ 7h sáng nay (25/7), Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Tp.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần vào 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2024), Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tiêu đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".