Mầm mống khủng hoảng nợ 8.300 tỷ USD của Trung Quốc

18/04/2023, 11:23
báo nói -

TCDN - Quy mô các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương Trung Quốc lên đến gần 50% GDP năm 2022, tạo nên khủng hoảng nợ 8.300 tỷ USD.

Là một trong những quốc gia nợ nần nhiều nhất trên thế giới, song đến lúc này, Trung Quốc vẫn chưa gặp một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện, dù đã đối mặt vài tình huống nguy cấp.

Năm 2019, lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, chính phủ trung ương phải tiếp quản một ngân hàng khu vực để ngăn người dân hoảng sợ và rút tiền ồ ạt. Năm ngoái, làn sóng công ty bất động sản vỡ nợ dẫn đến việc người mua nhà đe dọa ngừng trả nợ vay thế chấp.

Trong cả hai trường hợp, khủng hoảng tài chính đều lắng xuống. Một số ý kiến còn cho rằng Trung Quốc đã trở nên an toàn hơn với nhà đầu tư sau khi Bắc Kinh siết chặt quản lý đối với các ngân hàng địa phương ngang ngược và các nhà phát triển bất động sản liều lĩnh.

Nhưng Trung Quốc vẫn còn nguy cơ rơi vào một khủng hoảng nợ nữa: Nợ của các công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV). Nhờ LGFV, chính quyền địa phương có thể vay tiền để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nền kinh tế mà không cần ghi nợ vào bảng cân đối kế toán chính thức, và họ đã làm như vậy suốt nhiều năm.

xay dung Trung Quoc

Năm 2022, nợ của LGFV đã tăng lên 57.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.300 tỷ USD), tương đương 48% GDP Trung Quốc, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các khoản vay của LGFV có quy mô gần bằng nợ của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương cộng lại. Ngoài nợ vay ngân hàng, LGFV còn thường xuyên huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm khoảng 40% toàn bộ thị trường. Tổng các khoản vay trái phiếu chưa thanh toán của chúng lên đến khoảng 36.000 tỷ nhân dân tệ (tức hơn 5.200 tỷ USD) vào năm ngoái. 

Bloomberg nhận định rằng các nhà đầu tư đang run sợ trước viễn cảnh khủng hoảng nợ bùng phát. Năng lực hoàn trả nợ của LGFV còn tệ hơn các nhà phát triển bất động sản, bởi mục tiêu của chúng là cung cấp dịch vụ công chứ không phải là vì lợi nhuận. Trong khi đó, các trái chủ lại không được trả công xứng đáng cho những rủi ro mà họ phải chịu. Trung bình lãi suất trái phiếu của 1.800 LFGV chỉ vào khoảng 4,3%.

Tệ hơn nữa, sau sự sa sút của thị trường bất động sản, các chính quyền địa phương có thể không còn khả năng giúp đỡ LGFV khi cần thiết. Trước giai đoạn COVID-19, khoảng 20% thu nhập của chính quyền địa phương đến từ tiền bán đất. Năm ngoái, nguồn thu quan trọng này đã giảm mạnh 23%.

Trên thực tế, các địa phương đang phải dựa vào LGFV để giải quyết rắc rối tài khóa. Năm 2022, khi các doanh nghiệp phát triển bất động sản rút lui để chấn chỉnh dòng tiền, các LGFV đã mua hơn một nửa số đất dân cư mà chính quyền bán và khiến cho bảng cân đối kế toán của chúng càng xấu hơn.

Nhã Vy/Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Mầm mống khủng hoảng nợ 8.300 tỷ USD của Trung Quốc tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan