Mặt trận du lịch ở độ cao 100 km giữa ông chủ Amazon và tỉ phú lập dị Richard Branson

08/10/2020, 13:57
báo nói -

TCDN - Thua xa người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos về tài sản, nhưng tỉ phú lập dị Richard Branson vẫn chạy đua quyết liệt với ông chủ tập đoàn Amazon trong lĩnh vực đưa người lên độ cao 100 km để du lịch.

Vài năm trước, nhiều người vẫn nghĩ du lịch vũ trụ chỉ tồn tại trong khoa học viễn tưởng, nhưng giờ đây nó sắp trở thành hiện thực.

Chỉ vài doanh nghiệp - bao gồm một số doanh nghiệp đại chúng - đang cạnh tranh nhau để giành vị trí dẫn đầu trong thị trường mới nổi ấy.

Những điều kiện của du lịch vũ trụ và chi phí cho chuyến bay của mỗi doanh nghiệp rất khác nhau, tùy thuộc vào khả năng công nghệ của công ty. Ví dụ, cả Virgin Galactic và SpaceX đều có kế hoạch đưa hành khách lên vũ trụ vào năm tới. 

Tuy nhiên, trong khi hành khách bay với cả hai công ty sẽ đi vào vũ trụ theo đúng định nghĩa của Cục Hàng không Liên bang, thời gian bay của hành khách của Virgin Galactic chỉ tương đương khoảng 0,04% thời gian chuyến bay của SpaceX, còn một chuyến đi với công ty của Elon Musk sẽ diễn ra trong khoảng thời gian gấp 200 lần.

Unity

Việc hành khách tới không gian dưới quĩ đạo hay không gian quĩ đạo là sự khác biệt lớn trong các chuyến bay du hành vũ trụ. Do sự khác biệt ấy, sự chênh lệch về chí phí, trải nghiệm và thậm chí rủi ro cũng rất lớn.

UBS ước tính trong một báo cáo năm ngoái rằng du lịch vũ trụ - gồm cả du lịch trên quĩ đạo và dưới quĩ đạo, có giá trị thị trường tiềm năng khoảng 3 tỉ USD vào năm 2030. 

Gần đây hơn, hãng tư vẫn du lịch không gian Northern Sky Research dự báo thị trường du lịch không gian dưới quĩ đạo sẽ đạt 2,8 tỉ USD vào năm 2028, và tăng lên 10,4 tỉ USD trong thập kỉ tiếp theo, trong khi thị trường du lịch tới quĩ đạo sẽ có giá trị 610 triệu USD, và tăng lên 3,6 tỉ USD trong thập kỉ tiếp theo.

Hai doanh nghiệp đang cạnh tranh trong thị trường du lịch dưới quĩ đạo gồm Virgin Galactic của tỉ phú Richard Branson (người mang biệt danh "tỉ phú khùng") và Blue Origin, doanh nghiệp tư nhân của tỉ phú Jeff Bezos.

Tên lửa của cả hai doanh nghiệp đều có khả năng đưa tối đa 6 người lên vũ trụ trong một chuyến bay. Nhưng đó là điểm giống nhau duy nhất giữa hai bên.

Phi thuyền SpaceShipTwo của Virgin Galactic - với hai phi công cùng các hành khách - cần một phi cơ phản lực đưa nó lên độ cao khoảng 12 km. Tới độ cao ấy, phi thuyền tách ra khỏi máy bay, rơi tự do trong khoảng thời gian ngắn để tên lửa khởi động và đưa nó lên độ cao khoảng 90 km.

Về mặt bản chất, SpaceShipTwo chỉ bay ở rìa không gian vũ trụ, và hành khách có cơ hội trải nghiệm cảm giác trôi nổi không trong lượng trong vài phút. Sau đó phi thuyền giảm độ cao và đáp xuống đường băng ở bang New Mexico. Virgian Galactic sẽ tái sử dụng phi thuyền và chỉ thay thế tên lửa.

Phương pháp của Blue Origin mang tính truyền thống hơn. Tên lửa New Shepard của họ (với chiều dài khoảng 18 m) sẽ mang một khoang chứa hành khách lên trời. Trong quá trình bay, khoang hành khách tách ra rồi bay lên độ cao khoảng 100 km. Nó trôi nổi trong môi trường chân không vài phút trước khi quay về mặt đất, và bung dù để giảm tốc độ trước khi đáp xuống sa mạc ở bang Texas.

Khác với tên lửa truyền thống, New Shepard cũng quay về mặt đất để công ty tái sử dụng nó trong những chuyến bay tiếp theo.

Virgin Galactic đã bán vé cho khoảng 600 người, với giá từ 200.000 tới 250.000 USD. Công ty có kế hoạch tăng mạnh giá vé cho chuyến bay đầu tiên. Blue Origin vẫn chưa công bố giá vé, nhưng tỉ phú Jeff Bezos kì vọng công ty có thể ấn định mức giá tương đương đối thủ.

Đến thời điểm hiện tại, Virgin Galactic đã đưa 5 người lên vũ trụ trên hai chuyến bay thử nghiệm. Họ đều là nhân viên của công ty - gồm 4 phi công điều khiển phi thuyền và nhà huấn luyện Beth Moses. Kế hoạch của công ty là thực hiện thêm hai chuyến bay thử nghiệm trước khi họ đưa tỉ phú Richard Branson lên vũ trụ vào quí đầu tiên của năm 2021.

Ngược lại, Blue Origin chưa đưa hành khách nào lên không gian dù công ty đã hoàn thành 12 chuyến bay vũ trụ trong mấy năm qua. Ông Bob Smith, giám đốc điều hành công ty, nói rằng tên lửa New Shepard cần bay thử nghiệm 3 hoặc 4 lần nữa trước khi nó đưa hành khách lên vũ trụ.

Bên cạnh đó, Virgin Galactic sẽ huấn luyện hành khách trong 3 ngày, trong khi Blue Origin chỉ cần một ngày để thực hiện việc đó.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Mặt trận du lịch ở độ cao 100 km giữa ông chủ Amazon và tỉ phú lập dị Richard Branson tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan