Nhiều nước nhất trí trì hoãn thực hiện thuế dịch vụ kỹ thuật số
TCDN - Các quốc gia dự định áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, ngoại trừ Canada, đã đồng ý trì hoãn thực hiện chính sách thuế ít nhất thêm 1 năm, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong tuần này, đại diện của hơn 130 nước trên thế giới sẽ họp tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ở Paris để đàm phán giải cứu thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu, hay còn gọi là Big Tech, theo tờ Kinh tế Sài Gòn.
Chính sách thuế được cho là gây tranh cãi đối với các tập đoàn công nghệ lớn, song sẽ giúp “vá lỗ hổng” tồn tại trong hệ thống thuế quốc tế.Phần đầu của thỏa thuận hướng tới việc phân bổ lại quyền đánh thuế của các quốc gia nơi diễn ra hoạt động thương mại, đối với 200 tỷ USD lợi nhuận của các công ty đa phương lớn nhất, theo Bnews.
Theo thỏa thuận hiện tại, các nước chỉ xem xét áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng họ nếu như thỏa thuận đánh thuế toàn cầu nhằm vào các tập đoàn công nghệ vẫn chưa được các nước phê chuẩn để có hiệu vào ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, những bế tắc và trì hoãn về quá trình phê chuẩn thỏa thuận này đang khiến các nước kêu gọi lùi thời điểm áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đến năm 2025.
Nếu không được gia hạn, chiến tranh thương mại có thể xảy ra khi các nước đơn phương áp thuế dịch vụ kỹ thuật số để kiếm doanh thu thuế nhiều từ 100 công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới nằm trong phạm vi thỏa thuận.
Được biết, hơn 30 chính phủ các nước dự định áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đã nhất trí tạm dừng triển khai nội dung này của thỏa thuận cho đến cuối năm 2023.
Trong khi đó, phần thứ hai của thỏa thuận hướng tới việc chấm dứt thuế cạnh tranh giữa các chính phủ để thu hút đầu tư, thông qua việc thu thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.
Theo OECD, hơn 50 nước đang trong quá trình thúc đẩy nội dung này, song một số nước bày tỏ lo ngại rằng một hiệp ước đa phương về việc thu thuế doanh nghiệp toàn cầu có thể mâu thuẫn với nội dung của phần đầu thỏa thuận.
Do đó, OECD sẽ tìm hiểu rõ chi tiết vấn đề nhằm hoàn thiện thỏa thuận để các nước có thể ký kết trước cuối năm, theo đó sẽ có hiệu lực vào năm 2025 thay vì 2024 như dự kiến ban đầu.
Nếu có ít nhất 30 nước chấp thuận, thỏa thuận sẽ được trì hoãn đến năm 2024 và có thể đến năm 2025 nếu cần thiết. Trong số 143 quốc gia tham gia thỏa thuận, chỉ có Canada không nhất trí với việc trì hoãn này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899