Phó thủ tướng: Thiếu điện cục bộ miền Bắc, tiếp cận tín dụng khó khăn

08/06/2023, 13:08
báo nói -

TCDN - Tại phiên chất vấn sáng 8/6, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ một số bất cập, khó khăn như tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; thiếu điện cục bộ ở các địa phương miền Bắc…

Tăng trưởng tín dụng thấp

Cập nhật về tình hình kinh tế xã hội, Phó thủ tướng cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95 nghìn doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng thừa nhận, chúng ta còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, như tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm; sức mua của nhiều thị trường lớn, truyền thống suy giảm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực của nước ta; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khoảng 88 nghìn doanh nghiệp; thiếu điện cục bộ ở các địa phương miền Bắc.

Việc thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch còn chậm; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là công nhân lao động, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...

Theo Phó thủ tướng, trong bối cảnh thế giới đang phải khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19; chống lạm phát, tăng lãi suất; tổng cầu và tổng cung toàn cầu suy giảm; giá hàng hóa cơ bản, dầu thô tiếp tục biến động; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.

Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế khi gặp khó khăn bộc lộ rõ hơn; chúng ta lại vừa khắc phục những tồn tại, bất cập kéo dài, vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên nặng nề hơn, vừa phải thích ứng, đối phó với những thách thức mới, nhất là những vấn đề chưa có tiền lệ; Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo; chủ động ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc, bất cập; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường vai trò của các địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH nhanh, bền vững.

Rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Phó thủ tướng khẳng định, công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; có nhiều đổi mới, sát thực tiễn, góp phần xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KTXH.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, trình Quốc hội thông qua 01 luật sửa 9 luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận và tích cực hoàn thiện, trình nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Viễn thông, Nghị quyết về giảm 2% thuế giá trị gia tăng…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng; xử lý bất cập, điểm nghẽn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; khai thác hiệu quả thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số; triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng…

Mặc dù có những chuyển biến tích cực và phát huy hiệu quả bước đầu, nhưng Phó thủ tướng cũng đánh giá nhìn chung quy định pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn chưa được sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, xử lý triệt để, như về phân cấp, phân quyền, đầu tư, bất động sản, nhà ở; thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, cung ứng các dịch vụ công... Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư tư nhân trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài; chi phí sản xuất trong một số ngành, lĩnh vực tăng cao…

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; trong đó trình cấp có thẩm quyền xem xét việc  mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng...

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng: Thiếu điện cục bộ miền Bắc, tiếp cận tín dụng khó khăn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đại diện Bộ Công Thương xin lỗi khi để xảy ra thiếu điện
“Việc thiếu điện là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới tất cả nhân dân, doanh nghiệp" - ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương bày tỏ sự đồng cảm với người dân và doanh nghiệp về thiếu điện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự đồng cảm, sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng như sự bất tiện của người dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và thời tiết nắng nóng kỷ lục hiện nay khi xảy ra tình trạng thiếu điện.
Thiếu điện cục bộ, ngắn hạn, Thủ tướng chỉ đạo khẩn
Trước tình hình cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25/5, chiều tối 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.