Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ chủ trì hội thảo đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng
TCDN - Ngày 26/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển”. Hội thảo có dự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Các nội dung chính sẽ tập trung thảo luận tại Hội thảo bao gồm: (1) Định vị kinh tế Việt Nam; (2) Khát vọng và động lực phát triển; (3) Lựa chọn và giải pháp chiến lược.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu GS, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường sẽ trình bày bài tham luận “Xây dựng đất nước Việt Nam có nền kinh tế thịnh vượng, xã hội hài hòa và tương lai bền vững”. Theo đó, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trên con đường tiến tới quốc gia thịnh vượng, hài hòa, bền vững bao gồm: Sức ép đuổi kịp và bắt nhịp với kinh tế toàn cầu; Nguy cơ tụt hậu do cách mạng công nghiệp 4.0; Tiềm lực bị hạn chế bởi hạ tầng kém phát triển và hiệu quả đầu tư công thấp; Tiềm ẩn mất cân bằng xã hội có thể cản trở sự phát triển bền vững…
Để Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2030, mức phát triển kinh tế tương đương các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, các khía cạnh xã hội hài hòa được đảm bảo và mức độ bền vững môi trường tương đương một số quốc gia NICs, tác giả xếp hạng ưu tiên các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường dựa trên các tiêu chí sau: (1) Cơ sở lý thuyết phát triển kinh tế - xã hội; (2) Vấn đề được coi là nghiêm trọng (đánh giá ở Đồ thị 1); (3) Vấn đề đã được tính đến trong các mục tiêu và chiến lược phát triển của quốc gia; (4) Vấn đề được xác định là thách thức trong bối cảnh đương đại; (5) Khả năng về nguồn lực thực hiện của đất nước và khung thời gian (đã xác định). Trên cơ sở này, các định hướng chính sách cũng chia thành 3 trụ cột tương ứng với 3 nhóm ưu tiên đầu: Các chính sách nền tảng: Phát triển nguồn nhân lực; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Xây dựng nền quản trị công minh bạch, hiệu quả; và Phát triển cơ sở hạ tầng. Các chính sách đòn bẩy: Phát triển khu vực tư nhân, Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên Cách mạng công nghiệp 4.0, Ổn định kinh tế vĩ mô, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tạo ra các chuỗi giá trị và hình thành các ngành mũi nhọn, Thúc đẩy đô thị hóa. Các chính sách cân bằng: Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, và Đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội.
Với tham luận “Đánh giá vai trò chủ đạo, nòng cốt của khu vực kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và quan điểm, phương hướng của giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025”, PGS, TS, Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh, vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước không chỉ biểu hiện ở số lượng doanh nghiệp nhà nước, tỷ trọng đóng góp giá trị sản lượng trong GDP. Vai trò này thể hiện trước hết là ở trình độ quản lý, điều tiết năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển, chất lượng sản phẩm; đầu tư vào những dự án lớn, đòi hỏi vốn lớn mà thời gian thu hồi vốn lại chậm…; là cơ sở vững chắc để khắc phục những hạn chế, khuyết tật của cơ chế thị trường; đi đầu trong việc kết hợp với quốc phòng, an ninh…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899