Quảng bá thương hiệu nông sản: Đẩy mạnh chứng nhận sản phẩm OCOP, xác nhận chuỗi an toàn

12/12/2024, 09:13

TCDN - Việc chứng nhận sản phẩm OCOP, xác nhận chuỗi nông sản an toàn, gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử đã góp phần quan trọng trong công tác minh bạch thông tin, quảng bá thương hiệu nông sản an toàn của tỉnh Lào Cai, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

468834844_1102726641861938_3941831742469965045_n

Mang lại giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng/năm

Trong những năm qua, việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai được triển khai qua nhiều hình thức và đã đạt được những kết quả cụ thể. Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có 405 văn bằng sở hữu công nghiệp được bảo hộ ở trong nước còn thời hạn, trong đó có 401 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (51 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 02 chỉ dẫn địa lý mang địa danh của tỉnh còn lại 331 nhãn hiệu thông thường không mang địa danh) và 04 kiểu dáng công nghiệp.

Trong 401 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được cấp văn bằng, Lào Cai có gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ KH&CN, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, Quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, cá nước lạnh Bát Xát, vịt cổ nhung xanh Văn Bàn, chỉ dẫn địa lý Thẩm Dương cho sản phẩm gạo nếp huyện Văn Bàn, chỉ dẫn địa lý Mường Khương - Bát Xát cho sản phẩm gạo Séng Cù của tỉnh Lào Cai,…

Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý cho 17 sản phẩm như: Hồng không hạt Bảo Hà, rau an toàn Bảo Thắng, lợn đen Văn Bàn, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam…

Đến nay, các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu được in lên bao bì, tem, nhãn dán lên sản phẩm, in trên phương tiện quảng bá để tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng và trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh mang lại giá trị kinh tế do chênh lệch giá bán sau khi có nhãn hiệu cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Các sản phẩm được bảo hộ như dứa Mường Khương, Hoàng Sin Cô Bát Xát đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng; uy tín, chất lượng sản phẩm nâng lên và đã được các nhà máy, công ty lớn như công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ninh Bình và Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu thu mua dứa Mường Khương đưa vào nhà máy chế biến thành nước ép dứa, thạch dứa. Củ Hoàng Sin Cô được Công ty TNHH Long Hải đứng ra liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát; chè Ô long Cao Sơn có thương hiệu được cấp cho Công ty TNHH một thành viên Mường Hoa sử dụng nhãn hiệu đã thu mua chè cho bà con, thực hiện chế biến gắn nhãn hiệu đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hướng dẫn bà con áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất chè Ô long đảm bảo nguyên liệu sản phẩm để duy trì phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Ô long Cao Sơn” được bảo hộ...Hiện các nhãn hiệu sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ vẫn đang tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả, nâng cao giá bán mang lại giá trị kinh tế cao.

Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, Lào Cai thực hiện phát triển thương hiệu cho tối thiểu 20 sản phẩm nông sản đã được cấp văn bằng bảo hộ ở trong nước; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho ít nhất 15 sản phẩm, 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP; giá trị các sản phẩm nông sản sau khi được xây dựng và phát triển thương hiệu tăng khoảng 10 - 15% so với trước khi có thương hiệu sản phẩm…

Bệ phóng cho nông sản an toàn đạt chất lượng cao hơn

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, hầu hết nông sản của Lào Cai đã khẳng định được vị thế trên sàn giao dịch thương mại nông sản trong cả nước. Tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP, tư duy nhận thức của người dân đã thay đổi, mạnh dạn tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành bệ phóng cho nông sản ngày càng đạt chất lượng cao hơn, bắt nhịp với xu thế thương mại hóa toàn cầu.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn vùng cao Lào Cai phát triển mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm đã được phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt, góp phần rất tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Đặc biệt, với một số huyện vùng cao có thế mạnh về nông nghiệp, Chương trình OCOP đã tiếp thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tham gia Chương trình OCOP, hầu hết các chủ thể tại địa phương đều hướng đến sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như các cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ đã thay đổi căn bản tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô, đặc biệt đã tạo ra các liên kết chuỗi, vùng sản xuất hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Đích đến cuối cùng của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP là mong muốn sản phẩm làm ra được nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Để duy trì và phát triển thương hiệu nông sản Lào Cai, ông Vương Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội nông sản an toàn tỉnh cho rằng, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung phát triển các vùng sản xuất đã được cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; các vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường cao cấp khác. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ xây dựng sản phẩm nông sản mới tiềm năng của tỉnh; Tích cực phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ để duy trì phát triển sản xuất, mở rộng đầu ra, nâng cao chất lượng, uy tín cho sản phẩm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất “sạch” để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Quảng bá thương hiệu nông sản: Đẩy mạnh chứng nhận sản phẩm OCOP, xác nhận chuỗi an toàn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn: Gắn sản phẩm chủ lực với ứng dụng công nghệ
Bên cạnh xây dựng các vùng sản xuất theo 3 cấp sản phẩm gồm: Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất quả, các sản phẩm từ quả.