Quảng Trị triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút FDI

25/09/2024, 16:32

TCDN - Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thu hút dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn, dựa trên lợi thế và tiềm năng của địa bàn.

Xưởng may lều thuộc Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch JINQUAN VIỆT NAM (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Xưởng may lều thuộc Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch JINQUAN VIỆT NAM (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Nhằm tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn, bước vào năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn, dựa trên lợi thế và tiềm năng của địa bàn. Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã có những quyết sách mạnh mẽ quyết liệt trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

Theo đó, Tỉnh Quảng Trị xác định tập trung bám sát và tập trung thực hiện định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các chủ trương, chính sách, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đó là đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; Định hướng thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh; Phát triển nhanh hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, trọng điểm; Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như: công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ); Công nghiệp silicat; Công nghiệp dệt may; Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên; Một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 cũng xác định rõ về đối tác thu hút đầu tư, các giải pháp cụ thể, thiết thực thực hiện hoàn thành thắng lợi chương trình xúc tiến đầu tư.

Những tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để ký ban hành, làm cơ sở cập nhật các quy hoạch cấp huyện, quy hoạch ngành lĩnh vực. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực trên địa bàn tỉnh, bao gồm: dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy; Khu công nghiệp Quảng Trị, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn 1 (1.500 MW), dự án băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay. Tổ chức chỉ đạo giải quyết xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB thực hiện các dự án: Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (dự án GMS) - giai đoạn 2, Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị, dự án Khu Bến cảng Mỹ Thủy… Đồng thời kêu gọi 2 nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng tham gia phối hợp tổ chức, gồm: Công ty TNHH liên doanh phát triển Quảng Trị (QTIP), Công ty Cổ phần Quang Anh Quảng Trị (AMBER). Tham gia tổ chức tổ chức gian trưng bày, giới thiệu về tỉnh Quảng Trị tại khu gian hàng “Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Vietnam Expo 2024 do Bộ Công Thương tổ chức và có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh. Thông qua Hội chợ, các doanh nghiệp tham gia đã giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình đến đông đảo khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước; đồng thời tăng cường được sự liên kết, kết nối với các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại và giới truyền thông trong và ngoài nước.  Tổ chức thảo luận việc gia hạn hiệu lực của Bản ghi nhớ (MOU) giữa UBND tỉnh và Eni Việt Nam (Italia) về tạo lập tín chỉ các-bon từ các giải pháp khí hậu tự nhiên (“NCS”); nội dung thảo luận khả năng mua tín chỉ carbon và hỗ trợ thực hiện nghiên cứu cơ bản dự án bếp dân sinh tại Hướng Hóa và Đakrông; Hỗ trợ Eni Việt Nam tìm hiểu khả năng thu mua hạt trẩu và hạt cao su sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu sinh học tại Italia.   Tiếp tục khâu nối với Tập đoàn Gazprom International về chương trình làm việc tại tỉnh Quảng Trị để thảo luận các nội dung liên quan, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Dự án nhiệt điện khí Quảng Trị (340MW). Tiếp tục hỗ trợ Công ty TNHH Poongin (Hàn Quốc) các thủ tục liên quan triển khai thi công Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI Vina Quảng Trị tại CCN Đông Ái Tử huyện Triệu Phong. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn công vào cuối tháng 9/2024. Tiếp tục hỗ trợ Công ty A.P Lavergne Investment Pte.Ltd (Singapore) hoàn thành nội dung đề xuất dự án đầu tư Nhà máy Lavergne Quảng Trị tại Khu Công nghiệp Quán Ngang. Phối hợp với Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam xây dựng các nội dung tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, xây dựng và ban hành Chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế cấp sở, ban, ngành và huyện thị (DCCI Quảng Trị). Tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”; Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu Đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan – Ubon Ratchathani”.  Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan, đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao để được hỗ trợ, thống nhất chỉ đạo triển khai các thủ tục để phê duyệt các dự án đầu tư hạ tầng kho bãi, cảng chuyên dụng, băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay; Làm việc, hỗ trợ với các nhà đầu tư như Công ty TNHH Đầu tư Central Capital, Công ty TNHH Nam Tiến, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn; Công ty CP Anh Phát Petro…để nghiên cứu, đề xuất thực hiện các dự án về băng tải, cảng chuyên dụng, bãi san hạ tải, hạ tầng dịch vụ, kho bãi… phục vụ hoạt động vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay.

Từ ngày 22/4-27/4/2024, Đoàn công tác do đồng chí Võ Văn Hưng-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị làm Trưởng đoàn cùng một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Mục đích chính chuyến công tác là thúc đẩy quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế, xã hội giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác, địa phương tại Hàn Quốc, làm việc với các chủ đầu tư để thúc đẩy tiến độ các dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư tại Quảng Trị; Tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại thủ đô Seoul để tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh Quảng Trị để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu, khảo sát dự án đầu tư. Khảo sát, tìm hiểu các mô hình, hoạt động, chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh nghiệm phát triển địa phương thông qua quan hệ cấp địa phương với các đối tác tại Hàn Quốc; Nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Quảng Trị tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc.

Quảng Trị tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc.

Được biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có có 21 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đăng ký là 2.536 triệu USD, trong đó có 17 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2000 lao động. Trong số đó, có một số dự án đáng chú ý như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 của tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc gồm Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) (2,317 tỷ USD); Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation (88,26 triệu USD);… Nhìn chung, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện theo nội dung được phê duyệt, giúp thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Đặng Huy Long
Bạn đang đọc bài viết Quảng Trị triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút FDI tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Quảng Trị: Hội doanh nghiệp Thiện Duyên trao gần 400 suất quà cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới
– Ngày 5/9, hòa nhịp trong không khí của Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, Lãnh đạo Hội doanh nghiệp Thiện duyên tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp đến nhiều trường học các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trao gần 400 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng.