Sabeco và Habeco ghi nhận lãi năm 2022 đạt kỷ lục

01/02/2023, 16:00
báo nói -

TCDN - Trong năm 2022, lãi sau thuế của hai ông lớn ngành bia là Sabeco và Habeco đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, nhờ không còn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết thu về gần 5.500 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 40% so với năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Sabeco.

Đồng thời, doanh thu của Sabeco đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021. Lý giải về kết quả kinh doanh ấn tượng vừa qua, Sabeco nói do đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng và tiếp thị, giúp thúc đẩy doanh số cho các nhãn hàng. Đồng thời, công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.

Dù đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng hiệu quả sử dụng vốn của Sabeco đang có xu hướng giảm. Chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) đã giảm dần từ mức 37% ở năm 2017 về mức 22% trong năm 2022. Riêng quý 3/2022, con số này chỉ ở khoảng 18%. Nguyên nhân là Sabeco đang sở hữu các tài sản có thanh khoản cao như tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư ngắn hạn chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn.

Dù đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng hiệu quả sử dụng vốn của Sabeco đang có xu hướng giảm.

Dù đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng hiệu quả sử dụng vốn của Sabeco đang có xu hướng giảm.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng có một năm kinh doanh thành công. Trong năm 2022, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 8.400 tỷ đồng (tăng 21%) và lãi sau thuế đạt 527 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2021). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Habeco đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 so với năm 2021 giảm lần lượt 5% và 32% về doanh thu và lợi nhuận. Trong năm 2021, Habeco đạt hơn 300 tỷ đồng lãi sau thuế.

Thị trường bia Việt Nam hiện nay đang được thống trị bởi 3 tay chơi lớn, là Sabeco, Habeco và Heineken.

Heineken (Hà Lan) được biết đến với 2 sản phẩm cao cấp rất phổ biến tại các thành phố lớn là Heineken và Tiger. Ở phân khúc phổ thông và cận cao cấp có thể kể đến Sabeco với các sản phẩm mang tính biểu tượng như “Bia Sài Gòn” và “Bia 333”. Thị trường của cả hai công ty này trải dài khắp đất nước, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở miền Nam. Cuối cùng, ở phân khúc phổ thông và bình dân thì có Habeco với sản phẩm nổi bật là “Bia Hà Nội” và bia hơi. Habeco tập trung chủ yếu khai thác thị trường miền Bắc.

Thị trường bia Việt Nam hiện nay đang được thống trị bởi 3 tay chơi lớn, là Sabeco, Habeco và Heineken.

Thị trường bia Việt Nam hiện nay đang được thống trị bởi 3 tay chơi lớn, là Sabeco, Habeco và Heineken.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về lượng tiêu thụ rượu bia/người trong năm 2020. Trong khu vực châu Á, tiêu thụ bình quân nhiều nhất là Nhật Bản, kế đến là Trung Quốc.

Báo cáo của Kirin Holding cho thấy, tổng tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 9 thế giới trong năm 2020. Thế giới đã tiêu thụ tổng cộng 177 triệu kilô lít bia trong năm 2020 (1 kilô lít tương đương 1.000 lít). Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng số 1 với hơn 36 triệu kilô lít bia, theo sau là Mỹ với 24 triệu kilô lít bia, còn Việt Nam tiêu thụ hơn 3,8 triệu kilô lít.

Nguyễn Dương
Bạn đang đọc bài viết Sabeco và Habeco ghi nhận lãi năm 2022 đạt kỷ lục tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Mỗi ngày, Sabeco lãi trung bình 16 tỷ đồng
Trong 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (Mã: SAB) lãi trung bình 16 tỷ đồng/ngày. Sắp tới, doanh nghiệp này dự tính chi hơn 1.600 tỷ đồng tiền trả cổ tức.