Sản lượng xuất khẩu Hồ tiêu VN đạt gần 250.000 tân, chiếm 40% sản lượng toàn cầu
TCDN - Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu gần 250.000 tân, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng, các quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hồ tiêu hiện được trồng chủ yếu tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, BR-VT, Đồng Nai, Quảng Trị và Phú Quốc, tạo sinh kế cho gần 200.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam.
Đến nay năng lực chế biến hồ tiêu của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được nhà máy chế biến công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo VSATTP, theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm đa dạng tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Tuy nhiên, không chỉ ngành hồ tiêu Việt Nam mà cả ngành hồ tiêu quốc tế cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng, các quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với các yêu cầu mới của thị trường quốc tế. Đồng thời, giá hồ tiêu thế giới cũng liên tục sụt giảm từ 10 USD/kg năm 2015 xuống còn 2 USD/kg năm 2019 do diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh trong giai đoạn 2008 - 2014.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Việt Nam hiện nay vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu đạt 250.000 tấn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Thực tế nhu cầu sử dụng sản phẩm hồ tiêu trên thế giới còn rất lớn. Ngoài sử dụng hồ tiêu làm gia vị trong thực phẩm, hồ tiêu còn được sử dụng trong việc chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược”.
Theo Thứ trưởng Doanh, ngành hồ tiêu đang đứng trước 2 thách thức lớn về chất lượng và biến động giá cả rất mạnh. Cụ thể từ mức giá thương mại 10 USD/kg trong thập kỷ qua, nhưng đến nay chỉ còn vài USD.
Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vẫn rất lớn, vì không chỉ sử dụng trong ngành thực phẩm gia vị mà hồ tiêu còn sử dụng trong ngành mỹ phẩm làm đẹp. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu, nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa yêu cầu của thị trường hồ tiêu toàn cầu.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cũng cho biết, đến nay, tỉnh BR-VT tiếp tục xác định hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích quy hoạch là 12.600ha, phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bảo đảm năng suất vừa phải, chất lượng cao gắn với chứng nhận VietGAP.
Theo ông Quốc, để đẩy mạnh thương hiệu và chất lượng hồ tiêu, tỉnh BR-VT đã xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý hồ tiêu của tỉnh. Đến nay, BR-VT đã có 1.225ha với 1.165 hộ trồng tiêu đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn SAN, GlobalGAP.
Thời gian tới, tỉnh BR-VT sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người nông dân sản xuất đúng quy trình, quy mô hàng hóa lớn; tăng diện tích nhằm tăng lợi thế cạnh tranh ngành hàng, bảo đảm phát triển bền vững, ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam không nên tăng diện tích, cần tập trung vào thâm canh theo hướng bền vững trên diện tích có điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, thuận lợi về nguồn nước, giữ vững sản lượng. Tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo VSATTP. Đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người nông dân, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu, đảm bảo chất lượng tiêu nguyên liệu sạch cho chế biến và xuất khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ… theo yêu cầu thị trường, đặc biệt các thị trường cao cấp có giá trị gia tăng; đẩy mạnh chương trình XTTM quốc gia để duy trì và phát triển mạnh hơn năng lực xuất khẩu…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899