Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận bàn giao nhiệm vụ
TCDN - Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính nỗ lực phấn đấu, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao
Chiều ngày 13/4/2021, tại trụ sở cơ quan, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng thời tổ chức bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính giữa ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại Hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gửi lời cảm ơn đến các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tài chính đã hỗ trợ và dành nhiều tình cảm cho mình trong quá trình công tác tại Bộ Tài chính.
Đồng thời, chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm bổ nhiệm trọng trách mới. Ông Đinh Tiến Dũng bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm lãnh đạo và thực tiễn phong phú của mình, đồng chí Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ kế thừa truyền thống đoàn kết, thống nhất của ngành tài chính, lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong giai đoạn vừa qua có đóng góp lớn của nguyên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính; nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công ngành tài chính; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Giai đoạn 2016 - 2020 tổng thu ngân sách 6,89 triệu tỷ đồng
Báo cáo kết quả quản lý, điều hành nhiệm kỳ 2016-2020 của Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết: Mục tiêu quản lý, điều hành tài chính - NSNN được đặt ra trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 là: Tài chính phục vụ ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ưu tiên hoàn thiện thể chế tài chính – NSNN theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh, tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Các kết quả đạt được đến nay là khá toàn diện và tích cực, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định vĩ mô, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, đồng thời cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo cơ sở để chủ động đưa ra các giải pháp tài chính – NSNN đối phó có hiệu quả với thiên tai, đại dịch Covid19 trong năm 2020 và động lực cho giai đoạn tới. Cụ thể:
Ngành Tài chính đã tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế tài chính làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh...; đồng thời giữ vững an ninh an toàn tài chính quốc gia, từng bước cải thiện dư địa tài khóa để chủ động ứng phó với các biến động lớn (như đại dịch covid19).
Công tác quản lý, điều hành NSNN đều đạt và vượt dự toán. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng; quy mô thu bình quân đạt khoảng 25,2%GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6%GDP), vượt mục tiêu đề ra. Quy mô chi NSNN được quản lý trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần bội chi; tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 28%GDP (mục tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%; ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Đã cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững hơn.
Ngành Tài chính đã chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, trình cấp thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý quy định về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công; Thể chế về quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo sự phát triển bền vững và tăng cường tính công khai, minh bạch của các thị trường; Cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá theo Luật giá năm 2012. Đến nay, về cơ bản đã thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường. Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá tiêu dùng đã ổn định, bình quân 3,2%, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Chính phủ và Quốc hội đề ra; Xây dựng các cơ chế chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đảm bảo công khai minh bạch, theo nguyên tắc thị trường, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.
Hệ thống pháp luật về quản lý tài sản công được đổi mới, hoàn thiện đồng bộ. Công tác tổ chức việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và DNNN được chú trọng và cơ bản hoàn thành. Quy trình xử lý tài sản được quy định chặt chẽ.
Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý DTQG theo Luật Dự trữ quốc gia năm 2012. Quy mô DTQG tiếp tục được phát triển và củng cố; đến cuối năm 2020, tổng mức DTQG đã tăng gấp 1,23 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,67 lần so với năm 2010. Danh mục hàng DTQG đã được rà soát, sắp xếp và đổi mới.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt nghiêm túc trên các lĩnh vực. Hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường công khai, minh bạch, giải trình..., vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát thường xuyên, liên tục của cộng đồng, có đóng góp quan trọng trong ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Công tác ứng dụng hiện đại hóa CNTT, cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, các quy trình quản lý hiện đại vào công tác quản lý tài chính NSNN được đặc biệt chú trọng. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, cần kiệm, liêm chính.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899