Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp kêu khó trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận vốn

22/03/2023, 10:55
báo nói -

TCDN - Ngày 21/3, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ, kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến tình hình thị trường cung cầu hàng hóa, việc tiếp cận nguồn vốn ở một số lĩnh vực do thủ tục thẩm định khắt khe, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, du lịch; việc áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy mới khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích ứng và những vướng mắc trong lộ trình khắc phục; nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và giao thông gặp khó về nguồn cung, giá cả biến động thất thường…

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Để có cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp ngày 31/3/2023 sắp tới, tôi đề nghị các đại biểu hãy tập trung phát biểu, đóng góp ý kiến thẳng thắn, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những bất cập trong quá trình sản xuất kinh doanh”.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp TP. Sầm Sơn, ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Sầm Sơn nêu kiến nghị về việc thay đổi liên tục chính sách tín dụng của ngành ngân hàng đã gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch. Qua đó ông Tâm đề nghị ngành ngân hàng hạ lãi suất cho doanh nghiệp, đánh giá về giá trị tài sản nhà, đất phải sát với giá trị thực tế của thị trường khi doanh.

Ông Cao Thiện Tâm cũng đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, tháo gỡ những khó khăn về công tác phòng cháy chữa cháy cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung chuẩn bị tốt cho mùa du lịch sắp diễn ra.

Về phía Hiệp hội Vận tải ôtô taxi tỉnh Thanh Hóa, ông Hồ Hữu Thiết, Chủ tịch Hiệp hội đề nghị ngành ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất để các doanh nghiệp vận tải taxi nói riêng và doanh nghiệp hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung giảm bớt gánh nặng về chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó là việc tỉnh Thanh Hóa giải quyết tình trạng hoạt động của nhiều taxi dù trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp.

Liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, ông Trần Văn Trường, Chi Hội Doanh nghiệp khu CN Tây Bắc Ga, TP. Thanh Hóa kiến nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ những khó khăn về công tác phòng cháy chữa cháy cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy đã khiến các doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi quy mô sản xuất kinh doanh, thậm chí dừng hoạt động do vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy…

Trả lời tại hội nghị ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hoá thông tin tới doanh nghiệp các vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp.

Theo đó, chi nhánh đã thực hiện kịp thời Quyết định điều hành lãi suất của Ngân hàng trung ương phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ngân hàng đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân trong năm 2022, 2023. Cụ thể: Chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay lãi suất hợp lý, đa dạng hoá các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hoá thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay…

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo từng hệ thống ngân hàng thương mại để giúp doanh nghiệp gần ngân hàng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, VCCI Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chia sẻ, tiếp thu, giải trình một số nội dung liên quan thuộc thẩm quyền; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, ngành hàng để kiến nghị tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức.

Là một tổ chức Hội ra đời sớm và hoạt động có hiệu quả, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện rất tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

Trong năm 2022, Hiệp hội phối hợp với VCCI Thanh Hóa khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố (DDCI). Kết quả của cuộc khảo sát là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh tìm ra những điểm nghẽn tại các sở, ban, ngành, địa phương; từ đó đề ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Cũng trong năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tham gia góp ý gần 50 văn bản liên quan đến các dự thảo đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của trung ương, của tỉnh. Những ý kiến tham mưu, góp ý của Hiệp hội trên cơ sở thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp kêu khó trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận vốn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan