Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank

16/12/2021, 14:25

TCDN - Một trong những nhiệm vụ được Ngân hàng nhà nước đưa ra để thực hiện quyết định Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 chính là tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành Quyết định số 1963/NHNN về Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, mục tiêu của quyết định là thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí triệt để trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành. Từ đó, tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ cũng hướng tới việc tiết kiệm chi phí nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh.

Một trong những nhiệm vụ được ngân hàng nhà nước đưa ra để thực hiện quyết định này chính là việc đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn trong ngành ngân hàng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 

Ngân hàng nhà nước yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank.

Ngân hàng nhà nước yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank.

Cụ thể, "đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam", quyết định nêu rõ.

Là một trong 4 ngân hàng có quy mô tài sản, dư nợ cho vay và số lượng khách hàng lớn nhất hệ thống, nhưng đến nay, Agribank là nhà băng duy nhất chưa thể cổ phần hóa. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã hoàn tất quá trình này và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Agribank đã có quyết định cổ phần hoá từ năm 2007 nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 khiến Chính phủ quyết định tạm dừng.

Năm 2017, Agribank bắt đầu khởi động lại quá trình cổ phần hoá, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do vướng mắc về đất đai. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc lịch sử để lại, đất đai nhiều cơ sở không có thủ tục pháp lý rõ ràng.

Được biết, ngân hàng có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2, nguồn gốc đa dạng nhưng hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Đây là nguồn tài sản có thể giúp giá trị khi cổ phần hóa của ngân hàng đạt mức rất lớn. Nhưng cũng khối tài sản này khiến ngân hàng loay hoay chậm cổ phần hóa suốt những năm qua. Do đó, kế hoạch cổ phần hoá hay bán vốn chiến lược của Agribank đã lỡ hẹn hạn chót năm 2020.

Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành Ngân hàng được Ngân hàng nhà nước gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo Agribank phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh để khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017.

Đến 31/8/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2094/2174 cơ sở nhà, đất. Đối với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, trên cơ sở quy định tại 67/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2021), Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại các cơ sở này để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. 

Tính đến 30/11/2021, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,67 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,9%; dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm gần 70%.

Về nguồn vốn, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn huy động của Agribank đạt 1,54 triệu tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, tính đến hết quý 3/2021, lợi nhuận sau thuế của agribank đạt 10.539 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 9.804 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 34.748 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 31.152 tỷ đồng. 

Tới đây, Agribank sẽ phát hành 2 triệu trái phiếu ra công chúng kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng. Mục đích của việc phát hành trái phiếu ra công chúng của Agribank nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng và tăng thêm nguồn vốn dài hạn phục vụ nền kinh tế.

Ngoài việc đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong ngành ngân hàng, Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ quản lý chặt chẽ nguồn vốn và tài chính của Ngân hàng nhà nước và của các đơn vị trong ngành ngân hàng. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản và kinh phí hoạt động.

Đồng thời chủ động, linh hoạt, thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. 

Về hoạt động tín dụng, Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. 

Bên cạnh đó, triển khai toàn diện, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước xây dựng và quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả.

Đồng thời đảm bảo thực hiện dự án theo văn kiện đã ký kết với nhà tài trợ; phân bổ và giải ngân nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng theo đúng kế hoạch và đúng quy định của pháp luật và nhà tài trợ.

Song song với đó là tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Thiên Phú
Bạn đang đọc bài viết Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Agribank: Nợ xấu tăng 30%, “ôm” 89% bất động sản thế chấp
Theo BCTC, năm 2020, tổng tài sản Agribank ở mức gần 1,57 triệu tỷ đồng, nợ xấu tăng 20,6%, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 76% nợ xấu, tăng 30%. Tại BCKT 2020, tài sản thế chấp, cầm cố tại Agribank có giá trị vượt 2 triệu tỷ đồng, riêng tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 89%.