Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hàn Quốc hỗ trợ nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng
TCDN - Chia sẻ với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc sáng 1/7, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh...
Trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực.
Tại Tọa đàm, ông Jung Yeoin, Chủ tịch Doosan Enerbility cho biết, tập đoàn này vào Việt Nam từ 2006 và đang tập trung đầu tư các dự án tại Việt Nam.
Doanh nghiệp chia sẻ mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam, cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện như turbine… vào các dự án.
"Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn", ông Jung Yeoin cho biết.
Ông Lee Kye-in, Chủ tịch POSCO International cho biết, tập đoàn này đã sản xuất hơn 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam với doanh thu 1,5-2 tỷ USD mỗi năm.
Từ 2015, tập đoàn đã tham gia vào dự án phát điện Mông Dương 1 và đang hướng tới dự án Quỳnh Lập ở Nghệ An với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Ông Kim Hyung Kwan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành HD Hyundai Mipo cho biết, đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển ngành đóng tàu. Ông mong muốn HD Hyundai Mipo sẽ trở thành doanh nghiệp cùng Việt Nam tạo ra những sản phẩm tàu có uy tín trên thế giới.
Theo ông, đơn vị đang cố gắng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường vào ngành đóng tàu để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam.
Ông Jung In Sup, Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace mong muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay ở Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vì vậy, tập đoàn này hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.
Làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các nhà đầu tư quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15% và với đà này còn tiếp tục tăng, song theo Thủ tướng, Việt Nam bảo đảm không thiếu điện.
Liên quan đề nghị của doanh nghiệp về bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh. Ông cho biết, Việt Nam có Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và các hãng hàng không tư nhân đang phát triển rất nhanh như Vietjet Air, vì thế, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc liên hệ với các hãng này để bàn về hợp tác.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không với nhiều hệ thống sân bay, đang xây dựng thêm sân bay Long Thành, nên hợp tác về bảo trì, bảo dưỡng máy bay là nội dung mà Việt Nam đang rất cần.
Về hợp tác đóng tàu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây là nhu cầu lớn do Việt Nam đang phát triển kinh tế biển và ngành công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt, Việt Nam có vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước, giao thông thủy đóng vai trò hết sức quan trọng và nhu cầu đóng tàu rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng hoan nghênh hợp tác trong lĩnh vực này.
Kết luận cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hàn Quốc hiện giữ vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (tổng số vốn luỹ kế đến nay đạt 87 tỷ USD với gần 10.000 dự án); số 2 về hợp tác phát triển và du lịch; và số 3 về hợp tác lao động và thương mại (đạt 76 tỷ USD năm 2023). Hai nước hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong thời gian tới và 150 tỷ USD năm 2030.
Thủ tướng hoan nghênh, cảm ơn và mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới", trên cơ sơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân", hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Thủ tướng đề nghị bên cạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cần tăng cường hợp tác trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, trong các lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư….
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh (cả quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia).
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển); "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho người dân hai nước.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899